Dấu hiệu cảnh báo học sinh muốn tự tử, phụ huynh cần nhận biết Print
Tuesday, 05 April 2022 06:48
There are no translations available.

Dấu hiệu cảnh báo học sinh muốn tự tử, phụ huynh cần nhận biết

Dấu hiệu cảnh báo học sinh muốn tự tử, phụ huynh cần nhận biết - 1

Phóng viên: Thời gian gần đây liên tục xảy ra các vụ việc học sinh tự tử, thậm chí liên tiếp hai ngày 31/3 và 1/4 đều xảy ra sự việc đau lòng. Vậy PGS. TS Trần Thành Nam đánh giá ra sao về trách nhiệm của người giám hộ và môi trường giáo dục đối với vấn đề này?

Dấu hiệu cảnh báo học sinh muốn tự tử, phụ huynh cần nhận biết - 2

PGS. TS Trần Thành Nam - Chủ nhiệm Khoa Các khoa học Giáo dục (Trường ĐH Giáo dục, ĐH Quốc gia Hà Nội) trả lời phỏng vấn của Báo Dân trí về vấn nạn học sinh tự tử.

PGS. TS Trần Thành Nam - Chủ nhiệm Khoa Các khoa học Giáo dục (Trường ĐH Giáo dục, ĐH Quốc gia Hà Nội): Đây không phải là lần đầu chúng ta chứng kiến những câu chuyện đau lòng như vậy. Cá nhân tôi cảm thấy giận dữ vì có nhiều sự việc tương tự xảy ra nhưng các bậc phụ huynh không rút ra được những bài học cần thiết. Tất nhiên, từ những trường hợp mà bạn nêu có thể thấy có cả phần trách nhiệm của xã hội và của cá nhân học sinh bên cạnh những điều cần lưu ý cho cha mẹ.

Trách nhiệm của xã hội và cộng đồng ở đây xét theo góc rộng là vấn đề an sinh xã hội, việc thực hiện và bảo vệ các quyền lợi của trẻ em nói chung tại địa phương.

Dựa theo ghi chép mà các em để lại, có thể thấy rằng nguyên nhân của đa phần các vụ học sinh tự tử là do trầm cảm. Vậy thì, điều chúng ta cần biết là tình trạng trầm cảm ở học sinh tới mức độ nào thì sẽ biến thành hành vi tự hại chính mình? Động cơ nào đưa các em đi đến hành động tự tử?

-  Chúng ta thường phê phán hành vi lạm dụng về cơ thể, về tinh thần của các bậc phụ huynh (như đánh, mắng con) nhưng với các em điều này vẫn tốt hơn vì vẫn thể hiện là bố mẹ quan tâm đến con.

Với một đứa trẻ 11 năm mặc quần áo cũ, sờn rách của anh, lời hứa một bộ quần áo mới của cha mẹ qua các năm nhưng không thực hiện có thể vô tình cướp mất đi thể diện và cảm giác có giá trị cuối cùng của một đứa trẻ.

Phụ huynh có thể đã không biết rằng trẻ 11 tuổi rất coi trọng thể diện của mình với chúng bạn thậm chí có thể ngang với tính mạng. Phụ huynh cũng có thể không biết rằng khi gia đình có một người anh đã tự tử thì nguy cơ người em có hành động đó sẽ cao ở mức báo động cần giám sát chặt chẽ.

Phụ huynh có thể đã không biết là họ cần phải giải thích cho các em những lúc mình có tiền nhưng chưa thể mua quần áo mới cho các em vì những công chuyện cấp bách khác. Khi không được giải thích, có thể các em đã diễn giải hành động của bố mẹ là vì họ đã coi mình còn không bằng một đồ vật mà họ mua.

Tôi muốn nói là chính bố mẹ đã lựa chọn để có các em chứ các em không có quyền lựa chọn để trở thành con cái của ai. Vì vậy, bỏ mặc, vô cảm với con cái cũng là một tội ác!

Với các học sinh đang ở lứa tuổi vị thành niên, các em mang tâm lý muốn được người khác chấp nhận và tán thưởng nhưng lại thiếu hụt kỹ năng, nhất là kỹ năng đương đầu với áp lực và vượt qua thất bại để kiên định với mục tiêu cuộc sống của mình. Thêm vào đó, các em mới trải qua một giai đoạn đầy áp lực do dịch bệnh, lại đối diện với tương lai cũng đầy áp lực, kết hợp cùng với tính chất dễ bị tổn thương của lứa tuổi.

Do vậy, đối với các em, sự xung đột của cha mẹ, bị bỏ mặc trong gia đình, không có sự đồng cảm hiểu biết lẫn nhau trong gia đình... đều có thể là giọt nước cuối cùng làm tràn ly, dẫn đến những hành vi tiêu cực mà không có sự cân nhắc lợi hại. Chính vì thế mà một số em đã tìm đến cái chết chỉ vì bị bố mẹ đánh mắng, hay cảm thấy bố mẹ không quan tâm mình.

Dấu hiệu cảnh báo học sinh muốn tự tử, phụ huynh cần nhận biết - 3

Vì sao phụ huynh đều cho rằng mình quan tâm con, nhưng không hề nhận biết được các nguy cơ, không thể ngăn chặn hành vi tự tử của con từ sớm?

- Có khá nhiều hiểu lầm tai hại về tự tử đang tồn tại trong cộng đồng. Nhiều người cho rằng tự tử là một hành động do kích động, không có kế hoạch nên không thể ngăn chặn được. Tuy nhiên trên thực tế, phần lớn những vụ tử tự đều được suy nghĩ cẩn thận, có ý thức và lên kế hoạch một vài lần.

Nhiều người cho rằng nói chuyện với người khác về cảm giác muốn tự tử của họ sẽ thúc đẩy họ tới tự tử thật. Thế nhưng, việc hỏi về cảm giác đó khiến người nghe được giải tỏa, cảm thấy được quan tâm, lắng nghe, thúc đẩy họ trút bầu tâm sự, giảm bớt căng thẳng và cân nhắc hơn về việc này một cách nghiêm túc.

Đừng cho rằng tự tử một lần không thành công thì sẽ không tự tử nữa. Ngược lại, đa phần những người tự tử thành công đều có những kế hoạch tự tử trước đó nhưng có sự can thiệp của gia đình, bạn bè nên chưa thành công.

Với những câu chuyện đã và đang xảy ra tôi muốn nhấn mạnh rằng sự "bỏ mặc", "không quan tâm" của cha mẹ cũng góp phần gây ra chấn thương tâm lý với các em.

Dấu hiệu cảnh báo học sinh muốn tự tử, phụ huynh cần nhận biết - 4

Dấu hiệu nào có thể cảnh báo phụ huynh rằng một học sinh có bệnh tâm lý trầm trọng, có ý muốn tự kết liễu mạng sống?

- Nếu phụ huynh quan tâm đến con cái của mình có thể nhận ra sớm các dấu hiệu như con thỉnh thoảng nói rằng: "Con sẽ không còn làm phiền ai nữa đâu", hay "Chả có gì quan trọng cả!", "Mọi việc đều vô ích thôi!", hoặc "Con chả còn gặp ai nữa đâu mà nói"...

Mặt khác, phụ huynh cũng có thể nhận diện qua các hành động khác lạ của con như: sắp xếp mọi vật dụng cá nhân theo thứ tự và nói sẽ cho người này món này, người khác món kia mà mình yêu quý; tự nhiên dọn dẹp phòng ốc sạch sẽ, hay làm cách hành động như để trả ơn bố mẹ...

Trước đó là những dấu hiệu trầm cảm như: thay đổi cách ăn uống và ngủ nghỉ; trốn tránh bạn bè, gia đình, và bỏ những thói quen thường nhật; có hành động cục cằn, thô lỗ hoặc bỏ đi khỏi nhà; cẩu thả trong cách ăn mặc; thay đổi cá tính một cách bất ngờ; thường xuyên chán nản, không tập trung được việc gì, từ chối không đi học; hay phàn nàn về những đau đớn thể xác, thường liên hệ đến sự xúc động, như đau bụng, nhức đầu, mệt mỏi; mất hứng thú về những thú vui cá nhân.

Ngoài ra cũng có nhưng dấu hiệu "cấp báo" như: nói đùa sẽ chết; viết truyện viết thơ về cái chết; có những hành vi tự hủy hoại (như cắt tay, dùng tàn thuốc dí vào tay) hay hành vi liều lĩnh (đua xe, bỏ phanh); nói tạm biệt với gia đình; tìm kiếm những vũ khí hoặc phương tiện độc hại có thể sử dụng để tự tử.

Nguy cơ tự tử thường xảy ra ở lứa tuổi nào và bằng phương thức nào?

- Các nghiên cứu trong nước và trên thế giới đã chỉ ra nhóm tuổi có tỉ lệ tự tử cao nhất là từ 16 - 20 tuổi; nhóm có nguy cơ tự tử cao thứ hai từ 12-15 nhưng hiện đang có xu hướng trẻ hóa. Những trường hợp đã tự tử thành công được thống kê chỉ là con số nhỏ và những người nung nấu ý tưởng tự sát nhiều hơn từ 20-50 lần.

Dấu hiệu cảnh báo học sinh muốn tự tử, phụ huynh cần nhận biết - 5

Các bạn nam có khả năng tự tử thành công cao gấp 4 lần (họ sử dụng nhiều phương tiện gây chết người hơn). Phương tiện phổ biến nhất cho trẻ em dưới 15 tuổi là nhảy từ các tòa nhà và chạy vào dòng xe cộ. Phương tiện phổ biến nhất đối với thanh thiếu niên trên 15 tuổi là ma túy hoặc treo cổ tự tử.

Hơn hai phần ba số người tự tử cho biết trước ý định làm như vậy (không chỉ một lần mà thậm chí nhiều lần). Rất đáng buồn là chúng ta đã không nhận ra.

Mặc dù nghiên cứu đưa ra những xu hướng chung như vậy, nhưng thực tiễn đã chứng minh có rất nhiều tồn tại trong công tác dự báo nguy cơ tự tử học đường, công tác sàng lọc các vấn đề tổn thương sức khỏe tâm thần học đường, tâm lý học đường chưa trở thành hệ thống, nhà tâm lý học đường chưa có biên chế trong nhà trường, nhận thức của giáo viên về các dấu hiệu, nguy cơ còn nhiều thiếu sót và sai lạc.

Dấu hiệu cảnh báo học sinh muốn tự tử, phụ huynh cần nhận biết - 6

Nguyên nhân sâu xa dẫn tới trầm cảm và tự sát ở lứa tuổi vị thành niên là đâu, thưa ông?

- Có những nghiên cứu đã chỉ ra rằng dường như giới trẻ hiện nay ngày càng dành nhiều thời gian cho điện thoại thông minh, mạng xã hội và game online khiến họ ít có thời gian dành cho bạn bè, người thân và các mối quan hệ có ý nghĩa.

Thanh thiếu niên cũng ít thời gian ngủ hơn, ít có điều kiện để thực hành các kỹ năng xử lý tình huống, giải quyết vấn đề, kiểm soát cảm xúc trong đời sống thực. Do không có kỹ năng xã hội và không có bạn bè trong cuộc sống thực nên không thể huy động các nguồn trợ giúp khi bế tắc. Bên cạnh đó, nhiều em chịu bạo lực, bắt nạt trên mạng hay bị tiêm nhiễm các ý tưởng thù địch, các tự hại bản thân và tự sát từ các trang web hướng dẫn tự sát.

Sự biến đổi về tâm sinh lý trong giai đoạn vị thành niên cũng là một giai đoạn nhạy cảm dễ tổn thương ở những người trẻ. Trong giai đoạn này, sợi dây ràng buộc với gia đình trở nên giãn ra. Nhận thức về các vấn đề xã hội cũng sâu sắc hơn nên thích tranh cãi, phản kháng người lớn, khi phát hiện ra những khiếm khuyết của cha mẹ, những điều cha mẹ nói và làm không thống nhất khiến các em dễ trở nên thất vọng, chán chường.

Nhu cầu giao lưu kết bạn của lứa tuổi, muốn được bạn bè cùng trang lứa chấp nhận và tán thưởng ngày càng lớn nên khi bị tước mất các mối quan hệ, bị tẩy chay sẽ dễ dàng tìm đến cái chết vì không thể chấp nhận cuộc sống cô đơn, tách biệt khỏi nhóm.

Sự nhạy cảm quá mức với cái được gọi là thể diện cũng khiến các em sẵn sàng hy sinh cuộc sống chứ không chịu chấp nhận sự chối bỏ và chê bai của người khác. Chính vì vậy, một em học sinh được mọi người gắn nhãn là học giỏi, kỳ vọng, sẽ có nguy cơ tự tử cao hơn những học sinh khác khi gặp thất bại học đường.

Những áp lực xã hội mà đặc biệt là áp lực học tập cũng thường được đề cập như một yếu tố nguy cơ dẫn đến tự sát. Có những học sinh sau khi được cứu đã tâm sự rằng tự tử là con đường cuối cùng để em phản kháng lại những áp lực kỳ vọng của cha mẹ vào thành tích học tập cũng như lịch học chính, học thêm dày đặc mà cha mẹ dành cho em.

Về khía cạnh tâm lý, những học sinh tự sát thường có niềm tin sai lệch thúc đẩy những hành động tiêu cực. Đối với một số em, thế giới được nhìn nhận hoặc là toàn màu đen, hoặc là toàn mầu hồng. Một sự kiện dù tốt đến mấy nhưng sau khi bị các em phát hiện ra một khiếm khuyết sẽ trở thành một sự kiện xấu xa, tồi tệ. Lúc này, niềm tin của các em sụp đổ, hoang mang, không biết nên tin vào cái gì.

Một số em khác lại có xu hướng trầm trọng hóa vấn đề, xem một lỗi nhỏ như một tai họa lớn; khái quát hóa quá mức (chỉ vì bị một điểm 5 môn Toán và cho rằng mình không có khả năng học toán; chỉ vì một câu mắng của bố mẹ mà kết luận rằng bố mẹ chẳng yêu thương gì mình) hoặc là luôn tự ám thị mình sẽ không có khả năng chịu đựng được (không thể chịu nổi việc bị bạn bè chê cười, không chịu đựng được các bạn bỏ đi trước không đợi mình). Tất cả những thời điểm như vậy rất dễ xảy ra những hành vi dại dột.

Tự tử cũng thường xảy ra khi đứa trẻ không tìm được ý nghĩa của cuộc sống, cảm thấy bản thân vô tích sự, vô giá trị. Không được định hướng mục tiêu cuộc đời, nhiều em đã tự dấn mình vào các trò chơi nguy hiểm (đua xe, đánh nhau), vào cờ bạc, vào các tệ nạn (rượu chè, ma túy) để khám phá ý nghĩa của cuộc sống.

Nhiều em còn tâm sự "khi càng gần với cái chết hơn, em mới cảm thấy cuộc sống này đáng giá". Nhưng càng quăng mình vào những hành động nguy cơ, đứa trẻ bị dính vào những mâu thuẫn mà bản thân không thể giải quyết được nên dùng cái chết để chạy trốn hoặc để trừng phạt mình.

Dấu hiệu cảnh báo học sinh muốn tự tử, phụ huynh cần nhận biết - 7

Cần có "lá chắn" bảo vệ ra sao để phòng chống nạn tự tử ở lứa tuổi học trò? Gia đình và trường có thể làm gì để giúp các em vượt qua khủng hoảng tâm lý?

- Mặc dù nguyên nhân của tự tử rất đa dạng nhưng đa số các vụ tự tử có thể đề phòng được với các biện pháp theo dõi quan sát tế nhị và sát sao, xử lý thích đáng và kịp thời của các nhà chuyên môn. Cách tốt nhất để hoạt động phòng chống tự sát là dựa vào trường học với một đội công tác gồm các giáo viên, nhà tâm lý phối hợp chặt chẽ với các tổ chức cộng đồng.

Điểm mấu chốt đầu tiên là phải đánh giá được các nguy cơ tự tử ở các em thông qua việc khai thác tiền sử tâm lý và rối loạn tâm thần, các biểu hiện tâm lý và tâm thần hiển hiện và tiềm ẩn, ý tưởng tự sát, kế hoạch tự sát, hành vi tự sát.

Cần theo dõi sát sao các sự kiện thể hiện nguy cơ tự sát cao như: các em không còn kế hoạch gì cho tương lai, đem cho tài sản cá nhân, viết thư tuyệt mệnh, viết chúc thư, mới trải nghiệm một đau buồn mất mát.

Nhà tâm lý trường học cần giúp các em hiểu rõ những khó khăn và chấp nhận các biện pháp điều trị và tạo ra một môi trường an toàn (như: kiểm soát sự tích trữ thuốc, kiểm tra các vật sắc nhọn, vũ khí, dây thừng, không để các em nằm một mình ở các tầng gác cao…);

Giúp các em giảm nỗi đau buồn về tâm lý bằng cách thay đổi môi trường stress, tranh thủ sự nâng đỡ của người thân trong gia đình và bạn học; Giúp các em hiểu rằng mỗi người có thể có một nỗi buồn chính đáng, mọi người xung quanh cũng có những nỗi buồn riêng nhưng mỗi người đều có cách giải quyết vấn đề của mình có kết quả, cần phải tìm ra một giải pháp tích cực cho vấn đề của mình; Hoặc cũng có thể tạo ra một cách gì đó để thay thế tự sát như: tìm một nguồn vui mới, một hoạt động mới, một niềm say mê mới...

Với những em đã từng toan tự sát, nhà tâm lý phối hợp với gia đình theo dõi và đánh giá được khả năng tái phát. Các số liệu cho thấy tỉ lệ tái phát tự tử thường khá cao, từ 30% đến 50% trong khoảng thời gian từ 12 đến 18 tháng sau lần tự sát đầu tiên không thành công.

Cũng cần có những chương trình nâng cao kiến thức cho học sinh ứng phó với suy nghĩ tự tử. Khi có suy nghĩ tự tử, học sinh cần có kỹ năng chia sẻ. Các em có thể cảm thấy xấu hổ và lo lắng mọi người đánh giá nhưng hãy chọn người mà em tin tưởng và thoải mái để nói vì họ có thể giúp đỡ được em.

Hãy cố gắng nghĩ rằng cuộc nói chuyện này cũng bình thường như các cuộc nói chuyện khác, hãy chia sẻ em cảm thấy như thế nào, cần được giúp đỡ như thế nào. Học sinh cũng cần được chuẩn bị với những phản ứng của người khác để tiếp tục nói vì người nghe có thể có những cách nào đó giúp giải quyết vấn đề. Đôi khi những người bạn của chúng ta cũng không thể giữ bí mật vì đơn giản họ cũng cần hỏi ý kiến tư vấn và sự hỗ trợ thêm từ người khác để có thể giúp em giải quyết vấn đề.

Đứng trước một ý nghĩ hay một mưu toan tự tử, chúng ta không thể coi thường mà ngược lại còn phải tỏ rõ cho thiếu niên biết là mình rất quan tâm đến vấn đề này, và sẵn sàng để giúp đỡ thiếu niên vượt qua khó khăn, tin tưởng hơn nữa vào cuộc sống.

Trước sự gia tăng tự tử ở lứa tuổi thanh thiếu niên, việc nâng cao nhận thức của cộng đồng về các vấn đề tổn thương sức khỏe tâm thần thanh thiếu niên là một vấn đề quan trọng và cấp thiết.

Xin cảm ơn ông đã trả lời phỏng vấn!

Bài và thiết kế: Mai Châm (dantri)