Hiệu trưởng,võ sư Vịnh Xuân nói chuyện 'bọn trẻ con' PDF Print E-mail
Sunday, 15 January 2012 09:09
There are no translations available.

Thích xưng “mình” với người đối thoại, thích gọi học sinh trong trường là “bọn trẻ con”, không ngần ngại dùng những tính từ mạnh như “ngu”, đau khổ”… thầy Lương cởi mở và hồn nhiên nói về những “cái xấu” của mình cũng như nói về “công trạng”. Một cuộc nói chuyện như dự định ban đầu là ít bàn về công việc, nhưng rồi mọi câu chuyện liên quan vẫn là gắn với trường  lớp, với học trò.

Võ  học cho mình nhiều điều hay

Thầy đang là Hiệu trưởng Trường THPT Chuyên Khoa học Tự nhiên, nổi tiếng với nhiều học trò lừng danh. Có  một điều mà mọi người còn  ít biết về thầy, đó là  việc thầy còn là võ  sư môn võ Vịnh Xuân.

Thầy Nguyễn Vũ Lương:  Võ Vịnh Xuân theo mình là môn võ có hệ thống tri thức cao nhất.

Đi dạy, mình nói cho trẻ con những câu chuyện về võ một cách khoa học chúng nó thích lắm. Ví dụ như vỗ vào cái tay một cái là nghĩ về cái tay, tất cả những thứ khác mất hết, cầm cái chân giật một cái là những cái kia mất hết.

Mình muốn chứng minh cho trẻ con là trong con người những vận hành, va chạm trí tuệ là cái quyết định. Vậy môn võ là dành cho những người thông minh chứ không phải dành cho những người bình thường.

Mình cũng được may mắn là chơi với những người bạn giỏi nhất. Thời gian đầu tư cho võ ít nhưng học được từ những người hướng dẫn mình rất nhiều điều hay. Và điều nữa là mình là người thầy đi dạy, va chạm nhiều nhưng mình thấy những người tập võ có hệ thống quan hệ - những người tập võ chơi với nhau – có quan hệ chí cốt đến kỳ lạ, giúp nhau rất chặt chẽ. Mọi người vẫn gọi mình là “thầy giáo Thứ”.

Hiện nay ở trường, mình muốn trẻ con học võ kiểu như vậy, môn võ cao nhất. Chứ mình cũng không thích môn thể dục, như chạy – chỉ là cái chạy hình thức. Còn vận động thông minh có trí tuệ đấy mới là môn thể dục cao nhất.  

Tư  duy môn võ ảnh hưởng như thế nào đến công việc của thầy?

Trong con người, những vận hành, va chạm trí tuệ là cái quyết định

- Võ là một triết học. Ví dụ, võ học đến với người trí tuệ sẽ được nhân lên rất nhiều. Điều thứ hai võ dạy cho mình những ứng xử. Nếu coi ứng xử như một lối võ thì nó dạy cho mình cách ứng xử để đi đến đích tốt nhất.

Triết học của võ rất hay. Chẳng hạn, thông thường bất cứ thế võ nào cũng có mặt tích cực và tiêu cực. Và người võ giỏi là người luôn luôn tránh được tiêu cực là phát huy tích cực.

Võ dạy cho người ta khi anh ra một phương pháp nào thì bao giờ cũng có mặt mạnh và yếu. Chỉ có điều, phương pháp ấy đặt vào chỗ thuận nhiều hơn thì nó thành công nhiều hơn. Ví dụ, một người thầy rất giỏi, ta đặt vào chỗ dạy đội tuyển thì tỏa sáng rất nhanh. Nhưng cũng người thầy giỏi đấy mà đặt vào lớp mà cơ số bé hơn một thì càng dạy nhiều càng “ngu” đi vì ½ của lũy thừa càng cao thì càng thấp.

Cũng như công việc có mặt thuận và nghịch. Mặt thuận ấy mà phát huy đúng chỗ thì phát huy rất nhiều. Cho nên có lẽ là như số phận con người có vị trí nào đó ở trong không gian, khả năng của người nào đặt ở chỗ này có lẽ không tốt như đặt chỗ khác, nên sinh ra cái gọi là tử vi. Nên mình cũng phải cảm ơn là mình đã được đặt đúng chỗ dạy chứ mình cũng không bảo mình là người tài.


Theo thầy, tư duy của người theo khoa học tự nhiên và người theo khoa học xã hội khi tập võ có chịu ảnh hưởng khác nhau?

- Võ ảnh hưởng đến tư duy của người theo tự nhiên hay xã hội là như nhau. Dù tư duy tự nhiên hay xã hội thì những người giỏi vẫn là những người giỏi. Mà thông thường, trong khoa học xã hội những người giỏi tư duy lại rất tự nhiên. Vấn đề là cách truyền đạt giữa hai con người.

Mình có  nói với bọn trẻ “nhà ngươi ngồi với ta một buổi thôi có những điều hàng tháng không nghĩ được”. Những người già như thế này có cần gì nữa đâu? Cần là cái tiết kiệm cho các bạn. Ngày trước, bọn mình mất bao nhiêu thời gian mới nghĩ ra, nay chỉ cần cho một câu là các bạn tiết kiệm được hàng năm hàng tháng. Cho nên, trong giáo dục rất cần tính kế thừa. Cái đấy cũng từ võ.

Đi học võ rất nhiều người, tùy theo đạo đức khác nhau mà người dạy võ người ta truyền cho chứ không phải ai cũng truyền. Ngẫm ra từ mình, thời gian tập ít nhưng toàn được cho những cái hay nhất.

Võ dạy cho mình tính kế thừa rất hiệu quả và ngặt nghèo. Mình đi dạy có những người nếu truyền thụ kỹ thuật dạy cao quá người ta không hiểu, nó phí đi. Nhưng đối với những giáo viên trẻ và thông minh làm việc với mình, giao tiếp với mình chỉ một, hai năm trở thành khác hẳn.  

Học sinh mà phát hiện “thầy Lương sai”  là… cười sướng

Thầy có  đặt ra cho mình áp lực phải đi đầu?

- Có áp lực chứ. Phải nói là trẻ con trường chuyên chỉ yêu thầy giỏi chứ không yêu hiệu trưởng.

Một trong những cái mà trẻ con ngưỡng mộ là tài năng. Mình nhìn những trường chuyên ở ngoài Bắc này, những trường có hiệu trưởng giỏi thì trường chuyên phát triển. Ví dụ Hải Phòng, Hải Dương, Nam Định. Nên trường dạy toán lý hóa bằng tiếng Anh thì mình phải học tiếng Anh dù có thể chưa phải dạy, 60 tuổi rồi mà trên bàn làm việc vẫn có sách học tiếng Anh.

Dạy cho trẻ con trẻ con bảo sai thì phải sửa. Nhiều người đi dạy cứ sợ học sinh bảo dốt.

Dạy cho trẻ con trẻ con bảo sai thì phải sửa. Nhiều người đi dạy cứ sợ học sinh bảo dốt. Nhiều người nhìn vào giáo dục thấy xám xịt nhưng mình nhìn vào cảm thấy có tương lai.  

Nhưng cỡ như mình, trẻ con mà phát hiện được “thầy Lương sai” là nó cười sướng.

Điều nữa, học sinh tiếng Anh nó giỏi hơn mình thì tại sao không lấy đó là niềm hạnh phúc?

Mọi người phải nên nghĩ giáo dục là mô hình hàm hỗn hợp đa biến, nhiều yếu tố. Nhìn mô hình đẹp là do con mắt người nhìn. Làm mô hình đẹp là do người làm. Nhiều người nhìn vào giáo dục thấy xám xịt nhưng mình nhìn vào cảm thấy có tương lai.  

Dạy chuyên có phải là định hướng từ trẻ của thầy?

- Mình là dân Hà Nội, vào trường sướng đủ điều, đi học điểm cao, không có vấp váp gì trong cuộc đời. Nhưng mình là người không có khát vọng đỉnh cao. Đi học không hay tranh đua hơn người khác. Vào đại học cũng thế.

Cũng may là được các thầy tiền bối thấy hay hay giữ lại trường. Được giữ lại trường rồi mình cũng vẫn không phấn đấu. Mình hay nói với bọn trẻ con “thầy là tấm gương xấu”, đừng làm như thầy.

Tình cờ năm 1989 khối chuyên thiếu người, mọi người cử mình về phụ trách đội tuyển. Những năm đấy vất vả, mọi người thường bảo “xuống chuyên” chứ không phải “lên chuyên”. Khối chuyên trong ĐH Tự nhiên và ĐH Quốc gia thường được coi là nơi bé nhỏ, coi thầy giáo dạy chuyên rất bình thường, so thế nào bằng đại học.

Ngay cả SV mới ra trường bây giờ cũng thích dạy đại học hơn. Người ta không nghĩ rằng khối chuyên mà có thành tích tốt thì mới làm nên thành tích của tự nhiên.

Khi xuống chuyên, mình là người có công thay đổi lại quan niệm. Bây giờ, người nào được mời xuống trường chuyên là niềm hạnh phúc.

Mình được xem như là người có công lớn giành lại chân lý, giành lại công bằng cho chuyên. Vì nói thật là các thầy cũ ở đây rất giỏi nhưng xét về bằng cấp thì không có. Nhưng mình về đây không chấp nhận điều đó.

Hiện nay, trường mình các chủ nhiệm bộ môn phải là tiến sĩ. Và trong 2 năm tới những ai dưới 45 tuổi chưa ký hợp đồng chính thức không giao tiếp được với khách nước ngoài một cách thoải mái thì không bao giờ ký hợp đồng nữa.

Và mình bảo ai đi theo mình không được có chữ “if” (nếu) đã giao nhiệm vụ là phải làm. Ngày xưa bọn mình thành đạt như thế này là vì không có chữ “if”.


Như  thầy nói, thầy không phải là  một người nhiều tham vọng. Nhưng quản lý  một ngôi trường với toàn thầy giỏi và trò giỏi thì thầy làm thế nào để thúc họ đạt được vị trí dẫn đầu?

- Phải luôn luôn nghĩ cái mới. Đấy không phải là tham vọng. Nghề giáo dục là nghệ sĩ, là trình diễn. Nó mang lại niềm vui trí tuệ, có lợi thực sự cho đất nước. Nếu tính giảng dạy là sự biểu diễn thì sự biểu diễn này có giá trị thấm sâu vào sự phát triển của xã hội.

Nói về giáo dục có quý không? Ai cũng quý, nhưng không phải lúc nào người ta cũng nghĩ rằng nó luôn luôn quý. Nói giáo dục là quan trọng, là nguyên khí quốc gia ai cũng biết, nhưng nhìn ra các nước phát triển xung quanh mình thì họ không chỉ biết giáo dục là quý mà còn tìm mọi cách, mọi thời gian để giáo dục có được giá trị thực sự của nó, làm cái quý thực sự phát triển và như Singapore trở thành công nghệ luôn.

Nghề giáo dục là nghệ sĩ, là trình diễn.  Nếu tính giảng dạy là sự biểu diễn thì sự biểu diễn này có giá trị thấm sâu vào sự phát triển của xã hội. Không có “lửa” sẽ không làm được.

Hay như ở nước ngoài, trẻ con thi lãnh đạo còn mình cứ nhăm nhăm thi toán quốc tế… Quan điểm của mình đi nước ngoài cái gì hay học hết. Rồi mình có truyền thống của mình, kết hợp lại để làm tốt hơn.

Nói chung, giáo dục là nơi thú vị, là mảnh đất nhiều khó khăn nhưng cực kỳ thú vị. Khi làm có thể bị “chửi”, mình làm có tâm nhưng lại bị bảo là hình thức. Vì vậy không có “lửa” sẽ không làm được.

Ngay cả bạn võ. Có những người làm nghề khác có điều kiện hơn mình nhiều chứ. Nhưng mình phát hiện ra, trong giáo dục, có những cái hơn cả kinh tế, cái thu được là vô hình.

Mình thử hỏi các nghề khác làm gì có chuyện đang ngồi có hai học sinh ra: "Chào thầy, em phụ trách văn của toàn nước Pháp em có chai rượu mời thầy uống".

Hay ra nhà hàng ăn với bạn thì một người khá có tiếng tăm trong ngành y tế ngồi gần đó nhìn thấy và bảo với bạn là “thầy tao kia kìa”. Thử hỏi nghề gì có cái sướng như thế? Rồi thì có người gặp, bảo bạn đi cùng là “thầy Lương dạy cả họ nhà tao”

Giữa thầy và trò có  đường truyền vô hình

Có  cơ hội nào thầy cảm thấy mình đã bỏ lỡ đáng tiếc khi theo con đường giáo dục không?

- Nếu như cho trẻ lại thì mình lại học chuyên. Tất nhiên là có thể thay đổi, nhưng mình vẫn thích học chuyên toán. Nhưng mình sẽ học kiểu khác, tiết kiệm hơn, tức là làm sao nhanh giỏi hơn, cống hiến được nhiều hơn.

Mình không có tài mấy nhưng chắc là vì ăn ở phúc đức nên được những người giỏi rất quý. Đấy là may mắn, mà nếu như mình không vào vị trí này chưa chắc đã làm được.

Ngay cả bây giờ, có người vẫn nói “trường thầy Lương”, nhưng là người ta nói sai. Mình được như bây giờ là do dạy ở trường này. Mình bảo phải cảm ơn trường này vì nó cho mình tất cả thì mọi người lại không nghe, lại bảo ông Lương khiêm tốn. Đến tuổi này rồi, cái gì cũng biết hết rồi, nên mình chỉ thích nói đúng, những kiểu cách khác không quan trọng.

Nhưng cũng có điều mình tự khuyên mình là không nên bắt người khác nghĩ như mình. Đấy là một nguyên tắc, vì còn nhiều con đường hay hơn. Như trong xã hội, có những người chỉ chuyên tâm chơi thể thao, chỉ chuyên tâm dạy, chỉ chuyên tâm làm giàu, chỉ chuyên tâm làm lãnh đạo… thì đấy mới là xã hội mạnh. Mình rất thích mô hình xã hội đó.

Thầy có  hướng học sinh đến sự chuyên tâm đấy?

- Mình nói với trẻ con, nếu cái gì cũng biết thì suy ra không biết gì. Mình nói rất là cực đoan đấy. Và xã hội cần có những con người mình gọi là “những chiến binh dũng cảm” – tập trung học hành để đi thi quốc tế dù biết rằng nếu không may về không có giải đi thi đại học là “toi”.

Trường chuyên sẽ mang lại cho xã hội những con người như vậy, những con người làm đến nơi đến chốn để vươn tới đỉnh cao như vậy. Ưu việt của trường chuyên là như thế.



Tức là  thầy không cho rằng học sinh trường chuyên ra trường đời sẽ trở thành những người khờ  khạo, thiệt thòi?

- Theo quan sát của mình, học sinh khối chuyên nói chung, hay chỉ  tính riêng chuyên toán, thì chưa thấy ai ra xã hội thành người bình thường, mà toàn là “ác chiến”.

Dạy được những con người đã quyết chí cái gì thì làm được cái đấy mới là thành công của giáo dục. Trẻ con ở trường này không hiểu về đọc sách. Vẫn không hiểu - cho 1 điểm - khóc - mặc kệ; mai mà vẫn không hiểu - cho 1 điểm nữa. Thế là phải tự lao động. Mà lao động như thế là vượt qua được chính mình. Mình có lý thuyết rất hay nói với trẻ con là nếu không có những lúc nào cảm thấy yêu mình nhất thì không thành đạt được.

Mình có lý thuyết rất hay nói với trẻ con là nếu không có những lúc nào cảm thấy yêu mình nhất thì không thành đạt được.

Bí quyết mình thành công là tạo ở trường chuyên sân chơi trẻ con được làm những cái mà ở trường thường không được làm, được vượt qua chính mình, như giải những bài toán mà ở trường thường không được làm, lên trình bày nghiên cứu khoa học bằng tiếng Anh – đấy là những lúc mà chúng nó hạnh phúc.  

Hay chỉ học sinh trường thầy mới thế, còn trường chuyên khác thì học sinh chuyên vẫn không thoát được hình ảnh… gà nòi?

- Học trò  trường chuyên nào cũng thế thôi. Mình chiêm nghiệm "thầy nào trò nấy".

Nói về mặt võ học thôi, mình có cảm nhận có đường truyền vô hình giữa thầy và trò. Chẳng hạn như có những lớp, học sinh rất ác cảm với cô giáo. Hay mình đi dạy có trường hợp là có những lớp tự nhiên cứ phản ứng lại các chính sách của trường. Tìm hiểu thì hóa ra chính ông thầy phản ứng lại.

Trẻ con như trang giấy trắng, ông thầy tâm không tốt sẽ bôi bẩn. Trẻ con rất hay, cho làm quan tòa thì sẽ là quan tòa công minh nhất trong các loại quan tòa vì trẻ con không tha thứ một ai cả.

Trẻ con như trang giấy trắng, ông thầy tâm không tốt sẽ bôi bẩn. Trẻ con rất hay, cho làm quan tòa thì sẽ là quan tòa công minh nhất trong các loại quan tòa vì trẻ con không tha thứ một ai cả.

Trong trường mình trẻ con nhận xét từ xưa đến nay chưa bao giờ sai. Nên mình mới bảo các bạn đồng nghiệp muốn biết tốt hay xấu chỉ việc hỏi trẻ con.

Có câu chuyện thế này, khi thành lập trường mình nghe được một nhóm học sinh bảo “thầy Lương hiệu trưởng quá xứng đáng”.

Nhưng có một con bé phản biện ngay “Lấy gì thuyết phục?”. Nhóm kia quay lại ngay hỏi “Tại sao nói thế?”. Con bé kia vẫn trả lời mình thấy chưa xứng đáng. Nhóm kia hỏi nó tại sao thì nó bảo không biết.

Nếu mình là người thầy thì mình phải quý nó vì nó là đưa trong sáng. Mới vào lớp 10 nên nó không biết, không thể tôn trọng mình ngay được. Còn nhóm kia học mình từ lớp 9, thấy dạy hay thì nó quý.

Tất nhiên, góc nhìn của trẻ con không thể như người lớn nhưng độ đúng sai thì rất là hay. Cho nên, mình vẫn luôn mong muốn các thầy cô là tấm gương tốt. Trẻ con bây giờ tinh khôn, biết nhiều hơn học sinh ngày xưa.

Thầy còn những mục tiêu nào đến giờ  chưa đạt được?

- Mình đang nói giáo viên trẻ đang cùng là mình rất là tiếc, nếu cho mình 10 năm nữa thì bây giờ mới là lúc làm việc.

Ngay cả bây giờ, khi sức đã không còn như trước thì sức làm việc của giáo viên trẻ vẫn không thể như mình.

Hiệu trưởng mà dạy 10 tiết chính thức, chưa kể dạy đội tuyển. Mình như người nông dân sáng đi từ sớm tối khuya mới về, tức là “sáng vươn thở, tối tiếng thơ”. Nhưng có một điều mọi người không biết là dễ gì đã được trẻ con coi như một cái gì thiêng liêng. Bọn trẻ con trường mình cứ thích mình dạy.

Người ta có thể nói rằng ông này là hiệu trưởng, hiệu trưởng có quyền sắp xếp lịch dạy, đằng này toàn vào sớm ra muộn trong khi xã hội chỉ thích nghỉ ngơi câu giờ. Suy ra, hiệu trưởng đấy là hiệu trưởng “ngu”.

Nhưng họ quên một điều là đến lúc này, vẫn còn những bọn trẻ con hau háu chờ giờ học của mình – những cái sướng ấy không mua bằng tiền được. Nó gọi là triết học của võ rồi, đạt đến cảnh giới cao nhất rồi.

Nói  đến chuyện hình ảnh một “ông hiệu trưởng” thì trên mạng có khá nhiều clip thầy hát, thầy đá bóng… Thầy có e ngại để tồn tại những clip này sẽ ảnh hưởng đến hình tượng hiệu trưởng của mình?

- Mình nghĩ rằng trong giáo dục quý nhất 2 từ là “chân thực”. Có tính xấu thì có giấu mãi cũng sẽ lòi ra. Thôi thì mình có cái gì mình cống hiến cái đấy.

Trong giáo dục quý nhất 2 từ là “chân thực”. Có tính xấu thì có dấu mãi cũng sẽ lòi ra.

Ở đây, chữ “tĩnh” trong võ rất hay ở chỗ nếu như anh làm đúng cái tâm của mình, làm mọi thứ tốt, thì anh sẽ được cái như sức khỏe, trẻ lâu.

Ví dụ, có lần mình ra đề thi đại học, mà bạn biết làm việc này nếu sai sẽ rất khổ, bị kỷ luật. Làm xong, hết sức của mình rồi, mình đi ra giữa sân ngửa mặt lên bảo ông giời là “nếu con sai vì con ngu chứ không phải vì lý do nào khác”. Lúc đấy, mới thấy cái “tĩnh” là quan trọng, thể hiện bản lĩnh.

Xin cảm  ơn thầy.

  • Chi Mai (Thực hiện)
  • Ảnh: Lê Anh Dũng
(Theo Vietnamnet)
Last Updated on Sunday, 17 February 2013 14:33
 

Add comment


Security code
Refresh