Sau năm 2015: Chương trình giáo dục phổ thông sẽ như thế nào? Print
Thursday, 11 April 2013 09:39
There are no translations available.

(Dân trí) - Ngày 5/4, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Quốc hội tổ chức hội nghị tham vấn chuyên gia về chương trình, sách giáo khoa phổ thông. Nhận định của các chuyên gia đều cho rằng, chương trình, SGK vẫn còn nặng về kiến thức.

Chiều 11/4, Bộ GD-ĐT đã tổ chức Hội thảo “Hệ thống năng lực chung cốt lõi của học sinh cho chương trình GD phổ thông Việt Nam”
>>  Quốc hội giám sát chương trình sách giáo khoa tại Hà Nội

>>  Sau 2015, bậc THPT chỉ còn 7 môn học? 

Tại hội nghị, nhiều vấn đề được phân tích như chương trình (CT), sách giáo khoa (SGK) hiện nay cũng như định hướng đổi mới sau 2015, có nên có nhiều SGK cho mỗi môn học, đổi mới cơ cấu và thời gian học tập của các cấp học…

Vẫn nặng truyền thụ kiến thức

Chủ nhiệm Uỷ ban VHGDTTN và NĐ của Quốc hội, GS Đào Trọng Thi cho biết: “Qua khảo sát CT, SGK trong thời gian vừa qua cũng đã đáp ứng yêu cầu, mục đích giáo dục nhưng cũng bộc lộ nhiều hạn chế, chương trình khối lượng kiến thức thể hiện trong SGK còn nặng so với khả năng tiếp thu của đông đảo học sinh. Kiến thức nặng lý thuyết không sát thực tiễn, nặng về truyền thụ kiến thức mà chưa quan tâm nhiều đến rèn luyện kỹ năng, nhân cách học sinh... Điều đó đặt ra vấn đề cần phải đánh giá tổng kết, nghiên cứu  để lần sửa đổi chương trình, sách giáo khoa tiếp theo khắc phục được những hạn chế hiện nay”.

Mặc dù, Bộ GD-ĐT đã đưa ra giải pháp tình thế nhằm giảm tải chương trình thông qua việc bỏ bớt một số mục, bài trong SGK đã gây ảnh hưởng tới tính thống nhất, chặt chẽ, lô gích khiến cả giáo viên và học sinh đều lúng túng. Đa số các ý kiến tại hội nghị đều cho rằng kiến thức trong sgk còn quá nặng, cần phải có sự đổi mới.

Theo PGS Văn Như Cương, Hiệu trưởng Trường THPT Dân lập Lương Thế Vinh (Hà Nội), thiết kế chương trình không thể hiện sự dạy học phân hóa, và không phân luồng được học sinh, kết quả là hầu như mọi học sinh tốt nghiệp phổ thông đều chỉ có một con đường là thi vào đại học.

Đánh giá về SGK giáo dục phổ thông, PGS Văn Như Cương cho rằng, nhìn chung hiện nay là quá sức với đại bộ phận học sinh. Tính hàn lâm vẫn được coi trọng, thiếu liên hệ thực tế hoặc hoàn toàn xa rời thực tế cuộc sống; Chủ trương phân ban có thể nói đã thất bại,…Chương trình giáo dục hiện nay thiếu tính toàn diện, nặng tính hàn lâm, nhẹ về thực tiễn, kỹ năng thực hành. Nhiều kiến thức trong chương trình hoàn toàn không cần thiết đối với bậc phổ thông.

PGS Cương đơn cử trong môn Toán ở bậc phổ thông, nếu không là giáo viên dạy toán thì không cần đến kiến thức về Số phức. Tuy nhiên, kiến thức trên vẫn phải dạy, học, thậm chí năm nào cũng có trong đề thi tốt nghiệp THPT. Có thể nói rằng một phần ba kiến thức môn Toán ở bậc THPT là vô bổ đối với học sinh khi học xong bậc học này.

Sẽ theo hướng tích hợp

PGS.TS Trần Thị Tâm Đan cho hay, cần có một sự đổi mới đồng bộ vì phần lớn các trường phổ thông không đủ điều kiện thực hiện giáo dục toàn diện. “Trong đổi mới CT, SGK đề ra vấn đề tăng cường thực hành nhưng nhà trường phổ thông lại nghèo nàn thì lấy gì để học sinh thực hành. Vì vậy, cần khảo sát xem bao nhiêu trường phổ thông đủ điều kiện để thực hiện mục tiêu giáo dục toàn diện. Đáng chú ý, gần 30 năm đổi mới giáo dục nước ta chưa bao giờ đặt vấn đề đổi mới đào tạo giáo viên ở các trường sư phạm. Vì vậy, để đổi mới CT, SGK cần phải tính đến việc đổi mới từ các trường sư phạm” - bà Đan nêu ý kiến.

Theo PGS Văn Như Cương, chương trình và sách giáo khoa tuy rất quan trọng nhưng không phải là vấn đề quan trọng hàng đầu trong việc đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục. Trước tiên cần xác định các vấn đề như: Cơ cấu của hệ thống giáo dục phổ thông: bao nhiêu năm (10,11 hay 12 năm); Bậc THPT được phân ngành như thế nào? Có nên phân thành hai  ngành là THPT truyền thống và ngành THPT có dạy nghề? Nếu như thế thì chương trình và sách giáo khoa của mỗi ngành phải khác nhau; Chủ trương phân ban là đúng nhưng cần xác định chương trình của các ban có thể khác nhau đến mức độ nào?.

PGS Cương cho rằng, chương trình giáo dục sau năm 2015 sẽ hướng đến hình thành năng lực người học thay vì tập trung vào nội dung kiến thức như hiện nay. Do đó, đổi mới chương trình, sách giáo khoa sau năm 2015 sẽ theo hướng tích hợp. Sẽ có những “chuẩn”. vẽ được nhân cách học sinh gồm những phẩm chất nào. Từ những phẩm chất ấy, người viết sách giáo khoa, người dạy, người học sẽ tập trung xung quanh đó để giáo dục, đánh giá. Nội dung đào tạo chỉ là nguyên liệu để làm ra những phẩm chất đó.

Trong khi đó, GS Nguyễn Đức Chính (Trường ĐH Giáo dục – ĐH Quốc gia Hà Nội) lại cho rằng để đổi mới chương trình, sách giáo khoa thành công, cần đổi mới hoàn toàn cách kiểm tra, đánh giá kết quả học tập học sinh.

Còn GS Đào Trọng Thi, thiết  kế được một chương trình, một bộ SGK tốt là rất quan trọng bảo đảm thành công trong việc phát triển giáo dục phổ thông. Theo đó, cần  phải chuẩn bị các điều kiện về cơ sở vật chất, độ ngũ giáo viên. Ngược lại chương trình thiết kế phải phù hợp khả năng thực tế về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên. Vì vậy đợt đổi mới CT, SGK tới cần làm một cách toàn diện, hệ thống gồm tất cả các yếu tố để bảo đảm chất lượng. Bên cạnh xây dựng CT, SGK tốt cũng phải quan tâm đến các điều kiện khác để có thể thực hiện tốt nhất mục tiêu đề ra.

Kết quả tham vấn sẽ là một căn cứ để Ủy ban đề xuất giải pháp, kiến nghị sửa đổi, bổ sung, chính sách pháp luật về bảo đảm chất lượng chương trình SGK phổ thông, đồng thời chuẩn bị để trình Quốc hội về nghị quyết đổi mới chương trình - SGK phổ thông 2015.

Hồng Hạnh

Last Updated on Thursday, 11 April 2013 09:46