Người “tiếp lửa” cho tuyển Olympic Hóa quốc tế In
Thứ năm, 15 Tháng 8 2013 16:07
VOV.VN -Đam mê khoa học, chứng minh bằng thực lực và thành tích là cách TS. Vi Anh Tuấn “truyền lửa” cho học trò của mình.

Tại kỳ thi Olympic Hóa học quốc tế năm nay tổ chức tại LB Nga, cả bốn thành viên đội tuyển học sinh Việt Nam đều đoạt được huy chương, với một Huy chương Vàng và ba Huy chương Bạc. Trong đó, trường THPT Chuyên Khoa học Tự nhiên (Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội) có em Phan Quang Dũng giành Huy chương Vàng, hai em Hồ Quang Khải và Nguyễn Quốc Anh giành Huy chương Bạc; Huy chương Bạc thứ ba thuộc về em Lê Đức Việt, trường THPT chuyên Trần Phú, Hải Phòng.

Đây là thành tích đáng tự hào của giáo dục Việt Nam nói chung và của trường THPT Chuyên Đại học Khoa học Tự nhiên (KHTN) nói riêng.

Chinh phục độ khó của khoa học thế giới

Nói về thành tích của đội tuyển Olympic Hóa vừa qua, TS. Vi Anh Tuấn, Chủ nhiệm bộ môn Hóa trường THPT Chuyên KHTN, kiêm phụ trách và dạy chính đội tuyển Olymic Hóa năm nay, cho biết đó là thành quả lao động không mệt mỏi của các thành viên đội tuyển với sự “tiếp sức” của gần 20 thầy cô chuyên Hóa.

TS. Vi Anh Tuấn và 3 học sinh Chuyên Hóa tại kỳ thi Olympic năm 2013 (Ảnh do TS.Tuấn cung cấp)

Theo TS. Tuấn, kiến thức về các môn khoa học tự nhiên nói chung, môn Hóa nói riêng là rất đồ sộ, bao quát, vì thế để giành giải thưởng cao trong nước và quốc tế, các em học sinh phải nỗ lực rất lớn, cùng với đó là niềm đam mê khoa học. Bởi để có “chân” trong đội tuyển Olymic Hóa quốc tế, các em đã phải trải qua 3 vòng thi cấp quốc gia; trước đó, các em phải hoàn thành nhiều chương trình học nâng cao, thậm chí cả kiến thức năm thứ 3, thứ 4 đại học và cả trên đại học.

TS. Vi Anh Tuấn chia sẻ: “Đề Hóa trong kỳ thi Olympic năm nay tại LB Nga vừa qua là cực kỳ khó, bởi Nga đã từng 3 năm tổ chức Olympic Hóa quốc tế và nền khoa học tự nhiên của Nga rất nổi tiếng và uyên bác. Nếu như mọi năm, các em đạt 80 điểm trở lên/thang điểm 100 mới có thể giành HCV, thì năm nay chỉ là 68 – 69 điểm. Điều này chứng tỏ độ khó của các kỳ thi Olympic Hóa quốc tế ngày càng nâng lên. Thành tích của tuyển Việt Nam đã chứng minh được sự chuẩn bị chu đáo của của chúng ta, cũng như các em đã tiếp cận và chinh phục được độ khó của Hóa học thế giới”.

GS.TS. Đỗ Quý Sơn, thuộc Viện năng lượng nguyên tử Việt Nam, Trưởng đoàn Olympic Hóa quốc tế 2013 của Việt Nam cũng khẳng định, nước Nga đã từng tổ chức nhiều cuộc thi Olympic Hóa học quốc tế, đề thi năm nào cũng khó. Đề thi năm nay được các nhà khoa học đánh giá rất khó và là thách thức đối với tất cả các đoàn thi đến từ khắp nơi trên thế giới. Vì vậy, việc Việt Nam giành được một Huy chương Vàng và ba Huy chương Bạc là thành quả đáng khích lệ và tự hào. Thành công này chứng tỏ một điều, trí tuệ của tuổi trẻ Việt Nam hoàn toàn có thể so sánh được với trí tuệ của thanh niên các dân tộc phát triển trên thế giới.

“Tiếp lửa” cho niềm đam mê Hóa học

Theo đuổi Hóa học từ khi còn là cậu học sinh trường PTPT Cẩm Phả - Quảng Ninh, TS. Vi Anh Tuấn từng đoạt Huy chương Bạc tại cuộc thi Olympic Hóa học quốc tế năm 1998 tại Melbourne, Australia. Sau đó anh làm nghiên cứu sinh rồi về giảng dạy tại Khoa Hóa ĐH KNTN. Năm 2011, anh được bổ nhiệm làm Chủ nhiệm bộ môn Hóa của trường THPT Chuyên KHTN - đây chính là cái nôi phát hiện và ươm mầm những tài năng trẻ tuổi, yêu thích Hóa học.

TS. Vi Anh Tuấn trong phòng làm việc

Vừa làm công tác quản lý, TS.Tuấn vừa trực tiếp giảng dạy, “tiếp sức” cho niềm đam mê chinh phục những bài Hóa hóc búa nhất của các trò nhỏ. Là một trong những thầy cô trực tiếp dạy đội tuyển Olympic Hóa quốc tế năm nay, song anh rất khiêm tốn và ít nói về những gì mình làm cho đội và chỉ thừa nhận “chỉ góp chút ít” vào thành tích của đội tuyển.

“Kiến thức thi rất mênh mông, nên người thầy không thể “khoanh vùng” để các em học được. Chúng tôi, mỗi người một mảng, cung cấp những kiến thức có tính chuyên sâu nhất mà chúng tôi tích lũy được, cũng như kinh nghiệm ở các cuộc thi quốc tế cho các em. Nhiều kiến thức ở các kỳ thi Hóa quốc tế, các thầy ở Việt Nam cũng chưa được phổ biến đến. Điều quan trọng là phải chuẩn bị tinh thần cho các em từ khi ở nhà, đó là kinh nghiệm làm bài, cách xử lý các tình huống phát sinh, các em phải xác định một mình “độc lập tác chiến” ở nước bạn để chinh phục đỉnh cao tri thức của nhân loại” – TS. Vi Anh Tuấn nói.

Gần gũi với học sinh từ khi các em bước vào lớp 10, TS. Tuấn hiểu rằng, khi xác định thi và theo học Chuyên Hóa, các em đã có năng khiếu nhất định về môn học này và em nào cũng ấp ủ những ước mơ, hoài bão, trong đó phải kể đến khát vọng chinh phục những tấm huy chương Hóa học trong và ngoài nước. Điều người thầy cần làm là khơi gợi từ phía các em niềm đam mê học hỏi, khám phá những điều kỳ diệu của Hóa học, cũng như tạo môi trường và điều kiện tốt nhất để các em phát triển tài năng.

TS. Tuấn quan niệm, người thầy phải tạo được sự tin tưởng ở học sinh, để các em và xã hội thấy rằng, thầy có thể dẫn dắt các em đến thành công. Song để mang về cho nền giáo dục nước nhà những tấm huy chương, các em phải trải qua chặng đường dài với nhiều thử thách và người thầy luôn đồng hành, sát cánh cùng các em.

Đi từ đơn giản đến phức tạp, từ dễ đến khó – chính là cách anh giúp học sinh tiếp cận với Hóa học. “Trong quá trình học tập, các em làm được những bài Hóa dễ, thấy phấn khởi và sau đó nâng độ khó dần. Chinh phục được những bài Hóa khó như chất men thôi thúc tôi và học trò phấn đấu, khám phá những điều kỳ diệu, hấp dẫn của môn khoa học này” – TS. Tuấn chia sẻ.

Anh vẫn nói với học trò rằng: Để có được niềm đam mê Hóa học thực sự, cần có sự tích lũy lâu dài, bền bỉ. Hóa học tuy không “hot” như một số lĩnh vực khác, nhưng nếu chúng ta thực sự có chất xám thì chắc chắn sẽ được xã hội trọng dụng và “sống khỏe” với tương lai tốt đẹp.

Bền bỉ, say mê khoa học, chứng minh bằng thực lực và thành tích và những tấm huy chương Hóa học trong nước và quốc tế, đó là cách TS. Tuấn “truyền lửa” cho học trò của mình./.

Nhắc tới cậu “học trò vàng” Phan Quang Dũng, thầy Tuấn xúc động cho biết em là một tấm gương sáng trong học tập. TS.Tuấn kể, gia đình Dũng ở Nghệ An, sau khi học xong cấp 2, Dũng đòi mẹ bằng được ra Hà Nội thi và trúng tuyển vào Chuyên Hóa KHTN. Khi đó, mẹ em lo ngại sức khỏe con trai không được tốt nên khuyên em về học ở quê nhà, song Dũng nhất quyết theo đuổi niềm đam mê Hóa học. Vì thế người mẹ “đành” ra Hà Nội làm lụng kiếm tiền, thuê nhà ở cùng con suốt những năm tháng Dũng học phổ thông.

Nhà trường biết hoàn cảnh của em nên hết sức tạo điều kiện để Dũng chuyên tâm học tập. Với tấm Huy chương Vàng quốc tế, Dũng được tuyển thẳng vào khoa Hóa – ĐH KHTN, ở đó em được thỏa mãn niềm đam mê Hóa học cũng như nhiều cơ hội tốt đẹp sẽ đến với cậu học trò nghèo hiếu học.

Lại Thìn/VOV online

Link nguồn:http://vov.vn/Doi-song/Nguoi-tiep-lua-cho-tuyen-Olympic-Hoa-quoc-te/273295.vov