Trong khủng hoảng, người trẻ học gì? In
Thứ ba, 17 Tháng 7 2012 15:26
Trong bối cảnh kinh tế suy thoái, văn hóa - xã hội xuất hiện những thử thách chưa từng có…, người trẻ làm gì để sinh tồn và khẳng định được giá trị bản thân? Vai trò của giáo dục thế nào đối với mỗi cá thể?

có cuộc trò chuyện cùng TS Lê Đông Phương (Sinh Viên Việt Nam có cuộc trò chuyện cùng TS Lê Đông Phương (ảnh), Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu đại học và nghề nghiệp, Viện Khoa học Giáo dục (Bộ GD - ĐT).

Sinh tồn...

Thưa ông, người trẻ đang đứng trước những thử thách lớn của thời cuộc, đòi hỏi các kỹ năng sinh tồn, nhằm tồn tại và định vị các giá trị của bản thân. Ông chia sẻ với các bạn trẻ thế nào?

Sau một thời gian dài kinh tế có sự phát triển nhất định, có thể thấy, giới trẻ ngày nay có vẻ được chiều chuộng hơn ngày xưa. Họ cũng ít phải bận tâm hơn về việc kiếm sống so với trước, tất nhiên, không phải là tất cả nhưng cũng là số đông. Chính vì vậy, không ít người mất năng lực tự tồn tại trong xã hội hiện đại. Có lẽ, một nguyên nhân nằm ở đặc điểm văn hóa Việt Nam, khi còn được gọi là "con" thì luôn được mọi người trong gia đình chiều chuộng, chăm bẵm... nên không ít người trẻ Việt có tính ỷ lại cao hơn so với bạn đồng lứa ở nơi khác. Vậy nên, cũng chẳng phải đợi đến lúc khủng hoảng, về cơ bản người trẻ Việt Nam thiếu kỹ năng "tự sinh tồn trong cuộc sống hiện đại". Và thực sự đây là điều rất đáng quan tâm. Những kỹ năng sống phải được dạy ngay từ khi người ta bước chân vào trường học.

Nghĩa là theo ông, người trẻ cần nền giáo dục cung cấp kỹ năng xã hội, chứ không chỉ đơn thuần là kiến thức?

Các nhà giáo dục thì cho rằng, cần phải dạy kỹ năng sớm nhưng nhiều khi, phụ huynh lại không muốn điều ấy. Họ muốn thầy cô dạy cho các em nhiều chữ. Những gì không thuộc trong phạm trù thi, kiểm tra thì các phụ huynh thường không khuyến khích con em mình. Chẳng hạn, ở trường, thầy cô dạy học sinh các kỹ năng tự lập cuộc sống, từ những chuyện đơn giản như sắp xếp chăn màn, dọn dẹp bát đũa... nhưng về nhà, chúng lại được bố mẹ "đỡ việc" theo kiểu: "Con cứ lo học đi, còn chăn màn, bát đũa để đấy!". Điều này làm giới trẻ ỷ lại.

Trong một xã hội mà các thang giá trị còn mờ nhạt thì định hướng giá trị rất quan trọng. Bây giờ có vẻ không ít người trọng tiền bạc hơn, họ quan niệm một người trẻ thành công là người có rất nhiều tiền...

Cái này phản ánh khủng hoảng của cả xã hội. Khi một xã hội vô tình hay hữu ý đặt giá trị của đồng tiền lên trên mọi giá trị khác thì rất khó để định hướng quan niệm về giá trị sống cho các bạn trẻ trong trường. Ở trường, các thầy cô có thể dạy về các giá trị đẹp đẽ cần hướng tới nhưng ra đường lại thấy anh hành xử kiểu khác và có vẻ những người này "được tôn trọng" hơn những người ít tiền. Vào một cửa hàng, một người có ít tiền sẽ tần ngần mặc cả một món đồ nhỏ nhoi, rất mất thời gian, trong khi những "thiếu gia" vung tay lấy cả một nắm đồ, không thèm mặc cả, móc ra cả cục tiền để trả... Rồi một số người nổi tiếng cũng có biểu hiện chạy theo đồng tiền, hàng hiệu, có cô còn ngang nhiên đưa ra "tuyên ngôn": "Yêu mà không có tiền thì cạp đất mà ăn à!". Có thể vì vậy mà không ít bạn trẻ nhìn vào đó và hình dung rằng, giá trị trong xã hội được "đo" bằng tiền bạc. Mặc dù các thầy cô có thể nói nhiều về các giá trị đạo đức, văn hóa nhưng khi thời gian tiếp xúc với thầy cô của các bạn ít hơn so với thời gian các bạn tiếp xúc với xã hội, rất khó để thầy cô định hướng giá trị.

Không có giáo dục, "cạp" gì?

Khi các giá trị nhiễu loạn, giáo dục có vai trò như thế nào, thưa ông?

Trong ngắn hạn, giáo dục giữ vai trò là đối trọng để cân bằng lại những lệch lạc do khủng hoảng trong xã hội tạo ra. Về dài hạn, giáo dục có thể làm công tác định hướng dài hơi cho học sinh khi còn ở học bậc học rất thấp, dần dần cung cấp cho các em công cụ tư duy để giải quyết những vấn đề mà từng em gặp phải trong hoàn cảnh của mình. Tuy nhiên, cần phải có sự góp sức của cả xã hội, chứ chỉ trông cậy vào nhà trường thì không thể làm được. Như đã nói, giờ các em tiếp xúc với xã hội nhiều hơn so với tiếp xúc với thầy cô, nên ấn tượng với những giá trị được xã hội tôn trọng mạnh hơn so với những giá trị do thầy cô cố gắng mang lại. Một cô người mẫu nói rằng: "Không có tiền thì cạp đất mà ăn" thì hiệu ứng lan truyền, thầy cô nói giỏi lắm được 50 - 60 bạn trẻ nghe, thầy cô dạy 5 lớp thì cũng được vài trăm bạn trẻ nghe nhưng một cô người mẫu chân dài luôn có cả hàng triệu người thấy. Rất có thể, các em sẽ có so sánh rất đơn giản: Thầy cô mình nói như vậy nhưng có bao giờ được lên báo lên đài, đâu có mấy người được nổi tiếng, trong khi cô chân dài kia bao nhiêu người bám theo. Trong tiềm thức, con người sẽ có sự ước lượng giá trị, có thể họ sẽ thấy tầm ảnh hưởng của thầy cô thấp hơn nhiều so với ảnh hưởng của các tác động từ xã hội và dễ lái người ta theo hướng giá trị mà xã hội mang lại. Lên lớp, các thầy cô bảo cố mà học để làm giàu tri thức nhưng ra ngoài kia sẽ có những cái khác trong xã hội ngầm mách bảo các em cố mà kiếm tiền, không kiếm được tiền thì không tồn tại được. Đến giờ Đạo đức, cô bảo phải thương yêu người già, người tàn tật nhưng ra ngoài đường, thấy mấy tay cưỡi siêu xe đâm bụp vào bà già nhưng chỉ móc cục tiền vứt lại… Những hiện tượng này có tác dụng hoàn toàn ngược lại với bài học ở giảng đường, các em sẽ thấy cứ có tiền thì làm gì cũng được.

"Không có tiền thì cạp đất mà ăn", vậy không được giáo dục thì... "cạp" gì, thưa ông?

Xét về phát biểu thì cô người mẫu ấy có thể thành một triết gia được! (Cười). Trong tiếng Việt, khi đã phải "cạp đất" là rơi vào một trạng thái khốn nạn vô cùng... Bây giờ, rất khó để tìm ra ý tương đồng với cách ví von của cô ấy là "không có tiền thì cạp đất mà ăn", khi nói về thiếu giáo dục. Thuyết phục các em rằng, học để nâng trí tuệ, kiến thức của mình lên, để tạo giá trị gia tăng cao hơn là chuyện không phải dễ. Vì cả nền kinh tế của ta trong 30 năm Đổi mới vẫn là khai thác triệt để những tài nguyên sẵn có nên giá trị gia tăng chưa nhiều. Ví dụ như báo chí đang nói về chuyện lúa gạo được mùa nhưng giá tụt. Bên cạnh đó, người ta công bố số liệu những thất thoát sau khi thu hoạch của lúa gạo là 15%. Bây giờ làm sao thuyết phục được nông dân và các em là 15% ấy rất quý, hãy tìm cách giảm được từ 15% xuống còn 5%, thì một năm chúng ta có được thêm rất nhiều tấn lúa gạo. Đấy là giá trị gia tăng từ việc học. Hoặc như ta mạnh về xuất khẩu hạt điều, hạt tiêu nhưng làm sao tạo được cho các em cách suy nghĩ: Không nên chỉ phơi sấy mấy hạt đó đem bán mà phải mất thêm chút công sức nữa nhưng bán được gấp đôi, gấp năm... Qua những câu chuyện đó, chỉ rõ cho các bạn trẻ, vai trò của giáo dục quan trọng đến thế nào, hướng các bạn đến những trăn trở với cộng đồng, đến những giá trị khác không chỉ là tiền…

Như vậy, bản thân giáo dục cũng phải trở mình?

Chắc chắn giáo dục phải thay đổi! Thực ra, giáo dục cũng đã chuẩn bị cho các bước thay đổi đó, bằng chứng là các chiến lược phát triển giáo dục vừa được Thủ tướng ký ban hành và hiện tại là chuẩn bị cho Hội nghị T.Ư 6, họp cuối năm về đổi mới giáo dục căn bản, toàn diện và thực chất. Việc này là chuẩn bị cho sự thay đổi đáng kể mà nhiều người sẽ cho đó là cải cách trong giáo dục. Tuy nhiên, cải cách, thay đổi hay đổi mới sẽ có hiệu quả nếu như thuyết phục được xã hội thấy được thay đổi đó là cần thiết, chứ còn ông thầy bảo đổi mà xã hội không đổi, thì điều đó không có ý nghĩa gì.

Thực ra, chúng ta đã chuẩn bị cho các bạn trẻ kỹ năng sinh tồn với sự biến đổi của xã hội nhưng nếu chỉ có mỗi các thầy cô làm thì rất khó. Ngành giáo dục đã làm và cố để làm nhưng cần nhận được sự đồng thuận của cả xã hội. Tất nhiên, phương cách giáo dục cũng cần phải nhìn nhận lại. Chúng ta không nên đơn thuần chỉ mang lại cho sinh viên những kỹ năng sống mà cần dạy cho các em cách tự mình nhìn nhận ra những biểu hiện của xã hội, để các em tự quyết định lựa chọn những cách ứng xử thích hợp.

Xin cảm ơn ông!

Theo Lê Ngọc Sơn
SVVN