Dạy học là trình diễn, người thầy là nghệ sĩ In
Thứ sáu, 10 Tháng 12 2010 20:18

"Một giáo sư nước ngoài khi thăm lớp A1 toán có nói với tôi là các em học sinh trường tôi có một vẻ đẹp kỳ lạ không tả được. Tôi muốn nói thêm là vẻ đẹp ấy là vẻ đẹp trí tuệ nên cảm nhận tùy thuộc vào sự thông minh của các vị khách".

PGS.TS.NGƯT Nguyễn Vũ Lương, hiệu trưởng trường Chuyên Khoa học tự nhiên, ĐH QGHN hào hứng "khoe" với PV.

Trường Việt Nam chưa đạt chuẩn nhưng...

 
a
"Ước mơ của chúng tôi phụ thuộc vào cấp trên"

Hiện nay, một số phụ  huynh cho con đi du học hoặc học trường nước ngoài  ở Việt Nam với chi phí rất đắt đỏ. Ông nghĩ sao về vấn đề này?

Theo tôi đó chỉ là  sự vô lý, tốn tiền. Các trường nước ngoài rất thích học sinh giỏi ở Việt Nam vì một lý do rất đơn giản: được dạy học trò  giỏi là một hạnh phúc của người thầy. Đấy là  chưa kể người học phải trả mức học phí cao so với rất nhiều lần trong nước.

Theo cá nhân tôi hoàn toàn có thể tiết kiệm nếu chúng ta xây dựng được các trường đáp ứng nhu cầu của người học. Những trường chuyên ở Việt Nam có đội ngũ thầy giáo giỏi về các bộ môn nên chỉ cần tăng cường khả năng sử dụng tiếng Anh là đủ. Hiện nay, Bộ GD&ĐT đang thực hiện chủ trương xây dựng các trường chuyên đạt chuẩn quốc tế. Tôi nghĩ đây là một ý tưởng rất hiệu quả và thực tiễn.

Nhưng nhiều người vẫn quan niệm vào trường quốc tế sẽ tốt hơn?


Theo tôi, những học sinh giỏi sau khi có thành tích học tập ở các trường chuyên hay các trường đại học ở Việt Nam nếu có điều kiện tu nghiệp nâng cao kiến thức ở  nước ngoài thì rất tốt. Nhưng số học sinh này không nhiều. Trong khi đó, nhiều học sinh khi học bằng tiếng Việt còn kém thì học thông qua một ngôn ngữ khác chắc chắn không hiểu gì. Một vài năm nữa khi các học sinh các trường quốc tế mà thi đại học sẽ kiểm chứng cho nhận định của tôi.
Nhưng xét về sự nổi tiếng thì trường Việt Nam vẫn lép vế?


Nếu xét về tiêu chuẩn của một trường đạt chuẩn quốc gia thì các trường ở Việt Nam chưa đạt vì cơ sở trang thiết bị, ngoại ngữ chưa hòa nhập với quốc tế, kéo theo phương pháp giảng dạy chưa tiên tiến. Nhưng những tiêu chuẩn này không phải là quyết định hoàn toàn, có thể khắc phục được nếu chúng ta chịu đầu tư. Ngoài ra, các trường chuyên của Việt Nam lại có những ưu điểm quan trọng mà các trường nổi tiếng ở nước ngoài quan tâm là trình độ chuyên môn của đội ngũ giảng viên.

Có một lần tôi sang dạy  ở Thái Lan khi nghe mình giới thiệu là lãnh đạo một khối (khi đó chưa thành lập trường) đã được thành lập từ 40 năm và học sinh đạt gần 100 giải quốc tế về toán tin, ông chủ tịch hội đồng quản trị đề nghị ngay với ông hiệu trưởng trao đổi về kinh nghiệm quản lý của trường.

Ông nói trường của ông có thầy giỏi, trò giỏi, tại sao cơ sở trang thiết bị lại thiếu thốn như vậy. Chẳng lẽ tư tưởng mong chờ vẫn tồn tại?

Không chỉ tôi mà toàn thể giảng viên, học sinh, không chỉ một ngày mà hết ngày này qua ngày khác luôn có mơ ước là trong tương lai được dạy và học ở một ngôi trường khang trang. Tuy nhiên, ước mơ này phụ thuộc vào cấp trên. Hơn nữa giáo dục không phải là đơn vị kinh doanh luôn có sự đầu tư của Nhà nước. 

"Thu lợi" gì từ học sinh?


Nghe nói học sinh lớp 10 của trường ông đã có nghiên cứu khoa học?


Hằng ngày, các em học sinh phải vượt qua thách thức nhỏ là các bài toán khó, còn nghiên cứu thì các em hướng tới các phát hiện mới dù rằng rất nhỏ. Nếu từ bé chúng ta giáo dục cho các em biết nâng niu các tài sản trí tuệ  bé nhỏ của mình thì tương lai mới thành công như GS Ngô Bảo Châu được. Trường tôi đã thực hiện nghiên cứu từ 3 năm nay và đạt kết quả tốt, các em rất hạnh phúc với quyển sách in về các công trình nhỏ bé của mình. Tôi nghĩ vậy thật tuyệt vời.

Hiện nay, thầy cô danh tiếng thường rất giàu vì dạy thêm được nhiều. Với những thành tựu đó chắc giáo viên trường ông "thu lợi" nhiều lắm?


Cũng có những người bạn cũ gặp lại tôi bảo thương cho bạn vì cái nghề khổ. Nhưng với chúng tôi đó là sự hạnh phúc và cũng là nghề "thu lợi" được rất nhiều vì học sinh của trường giỏi, sau này rất thành đạt. Nhưng cái lợi đó không phải là tiền. Học sinh của chúng tôi rất thông minh, trong sáng và có sự yêu ghét rõ ràng.

Nghề đi dạy hạnh phúc và "thu lợi" ở chỗ được học sinh yêu quý là yêu quý thật. Được học sinh ca ngợi thì sự ca ngợi ấy rất có ý nghĩa. Thầy nào mà bị học sinh ghét chắc sẽ có vấn đề gì đó. Trong các nỗi buồn thì buồn nhất là học sinh không yêu quý, tôn trọng mình. Nhưng để làm được điều đó thầy giáo khi đứng trên bục giảng cũng phải là một nghệ sĩ. 

Dạy toán phải lãng mạn, bay bổng

Quan niệm đứng trên bục giảng phải là nghệ sĩ nghe hơi lạ, ông có thể giải thích về vấn đề này?

Tôi may mắn được học nhiều thầy giỏi ở đại học Tổng hợp như thầy Phạm Đức Chính, Nguyễn Duy Tiến... nên dần dần tôi mới thấu hiểu thế nào là trình bày một bài giảng thực sự.

Dạy đầu tiên là một nghệ thuật lấy người nghe làm trung tâm. Học sinh học thầy cách suy nghĩ, cách phân tích, tư duy sáng tạo mà điều này không thể thay thế được bằng các phương tiện thông tin như ti vi, internet... Người thầy nghệ sĩ phải làm cho học sinh hài lòng khi vượt qua những thách thức.

Có những bài toán, người dạy vô hồn với bước 1 làm thế này, bước 2 làm thế nọ, nhưng khi hỏi lại "vì sao" thì không trả lời được. Nếu người thầy phân tích được bài toán này đẹp, có nguồn gốc từ đâu, tại sao giải nhanh được thì đó là nghệ sĩ. Còn người kia chỉ là "thầy vẹt" mà thôi.

 

2.JPG
Tôi thích hình mẫu người thầy như một cánh diều ước mơ


Ông tự nhận mình là nghệ sĩ trên bục giảng?

Tôi không tự nhận mà một số người thân thiết và học sinh tặng cho mình danh hiệu đó. Nhưng quan điểm của tôi cũng là thế, đã dạy thì phải là nghệ sĩ, phải lãng mạn. Tôi may mắn hơn nhiều người khác là được dạy trường chuyên và dạy đội tuyển, sự thông minh của học trò sẽ chuyển sang. Đó thật sự là hạnh phúc.

Dạy toán thường là khô cứng mà ông nói phải lãng mạn, bay bổng nghe có  vẻ kỳ cục?

Đã là một nghề thì luôn có thể đạt đến mức mà bản thân mình hài lòng thì tại sao dạy toán thì không thể? Kể chuyện vui thôi như khi dạy khái niệm giới hạn. Càng gần đến điểm giới hạn thì thông tin biết càng nhiều nhưng không được chạm đến điểm giới hạn. Giống như truyện "Chuyến xe đêm" viết về Andersen. Khi bà quý tộc ngỏ lời muốn kết hôn thì Andersen bỏ đi vì muốn trong ký ức của bà mãi mãi là Andersen cổ tích như bà thường nghĩ.

Tôi thích hình mẫu người thầy như một cánh diều ước mơ, phải thật giỏi môn mình thường dạy nhưng cũng đời thường như uống bia, xem đá bóng, chơi thể thao.

Xin cảm ơn ông về  buổi trò chuyện!


Thu Hiền
(thực hiện)

Theo bee.net.vn

Cập nhật ngày Thứ năm, 28 Tháng 6 2012 21:41