Công bố dự thảo một kỳ thi quốc gia PDF Print E-mail
Friday, 19 December 2014 09:31
There are no translations available.

Chiều 18/12, Bộ GD-ĐT chính thức công bố dự thảo quy chế tổ chức Kỳ thi trung học phổ thông (THPT) quốc gia để lấy ý kiến rộng rãi trước khi ban hành chính thức.

Bấm vào các link dưới đây xem toàn văn dự thảo.

Bộ Giáo dục, dự thảo, một kỳ thi quốc gia, THPT, 2015
Ảnh Văn Chung

3 mục đích

Bộ GD-ĐT cho biết, kỳ thi THPT quốc gia được tổ chức hằng năm nhằm mục đích:

Đánh giá, xác nhận trình độ của người học sau khi học hết chương trình giáo dục THPT và chương trình GDTX cấp THPT (gọi chung là chương trình THPT), lấy kết quả để xét công nhận tốt nghiệp THPT.

Làm căn cứ để tuyển sinh ĐH, CĐ.

Tác động tích cực đối với đổi mới phương pháp dạy học, thi, kiểm tra, đánh giá, nâng cao chất lượng giáo dục phổ thông; góp phần đảm bảo chất lượng nguồn tuyển cho các trường ĐH, CĐ và TCCN.

Thi  8 môn

Kỳ thi được tổ chức thi 8 môn: Toán, Ngữ văn, Lịch sử, Địa lí, Vật lí, Hóa học, Sinh học, Ngoại ngữ.

Để xét công nhận tốt nghiệp THPT (với các thí sinh đăng ký dự thi chỉ lấy kết quả để xét công nhận tốt nghiệp THPT, sau khi có kết quả thi, nếu các em có nguyện vọng vào ĐH, CĐ thì có thể tham gia xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ dựa trên kết quả học tập THPT của học sinh theo đề án tuyển án tuyển sinh riêng đã được công bố) , thí sinh phải thi 4 môn, gồm 3 môn thi bắt buộc (Toán, Ngữ văn và Ngoại ngữ) và 1 môn do thí sinh tự chọn.

Thí sinh không được học môn Ngoại ngữ hoặc học trong điều kiện không đảm bảo chất lượng, được chọn môn thi thay thế môn Ngoại ngữ trong số các môn tự chọn.

Để xét công nhận tốt nghiệp THPT và xét tuyển sinh ĐH, CĐ thí sinh dự thi 4 môn trên và có thể đăng ký dự thi thêm các môn phù hợp với khối thi do trường ĐH, CĐ quy định.

Thí sinh đã tốt nghiệp THPT dự thi chỉ để xét tuyển sinh ĐH, CĐ đăng ký môn thi theo quy định của trường ĐH, CĐ đối với ngành đào tạo mà thí sinh có nguyện vọng.

Thi vào tháng 7

Kỳ thi dự kiến sẽ được tổ chức vào các ngày từ 1 đến 4 tháng 7 năm 2015. Xem chi tiết tại đây.

Thang điểm 20

Một thông tin đặc biệt là Bộ chủ trương sử dụng thang điểm 20 để đáp ứng yêu cầu phân hóa cao kết quả thi, với lý do việc mở rộng từ thang điểm 10 sang thang điểm 20 sẽ giúp công tác chấm thi phân hóa chi tiết hơn kết quả thi của thí sinh, hỗ trợ tốt cho công tác xét tuyển sinh của các trường ĐH, CĐ. Xem chi tiết tại đây.

Thành lập cụm thi ở một số tỉnh

Bộ trưởng Bộ GDĐT quyết định thành lập cụm thi tại một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (gọi chung là tỉnh) và giao cho các trường ĐH chủ trì.

Cụm thi được thành lập để tổ chức thi cho thí sinh của ít nhất 2 tỉnh (cụm thi liên tỉnh).

Đối với những tỉnh có khó khăn, nếu Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh đề nghị, Bộ GDĐT sẽ xem xét thành lập cụm thi tỉnh cho các thí sinh dự thi chỉ để xét công nhận tốt nghiệp THPT.

Việc tổ chức thi ở cụm thi liên tỉnh hoặc cụm thi tỉnh là giống nhau, theo đúng quy định của chủ trì.

Song song với việc thành lập Ban Chỉ đạo thi THPT quốc gia, ở những nơi đặt cụm thi tỉnh/ liên tỉnh Bộ trưởng Bộ GD-ĐT sẽ thành lập Ban Chỉ đạo thi cấp tỉnh.

Ban Chỉ đạo thi cấp tỉnh có nhiệm vụ và quyền hạn: Chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể có liên quan và các cơ sở giáo dục trên địa bàn phối hợp, đảm bảo các điều kiện cần thiết cho hoạt động của Hội đồng thi; xem xét giải quyết các kiến nghị của Chủ tịch Hội đồng thi;Báo cáo Ban Chỉ đạo thi quốc gia và Chủ tịch UBND tỉnh về tình hình tổ chức thi, việc thực hiện quy chế thi ở địa phương và đề xuất xử lí các tình huống xảy ra trong tổ chức thi....

Đề thi chủ yếu trong chương trình lớp 12

Đề thi của kỳ thi THPT quốc gia được Bộ GD-ĐT quy định: Nội dung đề thi nằm trong chương trình THPT hiện hành, chủ yếu là chương trình lớp 12; Đảm bảo phân loại được trình độ của thí sinh, vừa đáp ứng yêu cầu cơ bản (để tốt nghiệp THPT) và yêu cầu nâng cao (để tuyển sinh ĐH, CĐ);

Đối với đề thi tự luận phải ghi rõ số điểm của mỗi câu hỏi trong đề.

Trong một kỳ thi, mỗi môn thi có đề thi chính thức và đề thi dự bị với mức độ tương đương; mỗi đề thi có hướng dẫn chấm, đáp án kèm theo.

Những trường hợp miễn thi, đặc cách

Thí sinh sẽ được miễn thi môn Ngoại ngữ, 4 môn thi hoặc miễn 8 môn, tùy theo hoàn cảnh và thành tích cá nhân. Xem chi tiết tại đây.

Lệ phí thi ổn định

Bộ GDĐT chủ trương duy trì ổn định các mức thu lệ phí như năm 2014, không tăng thêm mức thu để không gây khó khăn cho thí sinh và gia đình.

Mỗi thí sinh có một số báo danh duy nhất

Vẫn theo dự thảo quy định của Bộ GD-ĐT, Ban Thư ký Hội đồng thi lập danh sách thí sinh đăng ký dự thi theo Hội đồng thi.

Mỗi Hội đồng thi có một mã số riêng và được thống nhất trong toàn quốc. Ở mỗi Hội đồng thi, việc lập danh sách thí sinh dự thi được thực hiện như sau:

Lập danh sách tất cả thí sinh dự thi theo thứ tự a, b, c,... của tên thí sinh để đánh số báo danh;

Lập danh sách thí sinh theo thứ tự a, b, c,... của tên thí sinh theo từng môn thi để xếp phòng thi.

Mỗi thí sinh có một số báo danh duy nhất. Số báo danh của thí sinh gồm phần chữ là mã số của cụm thi và phần số có 06 chữ số được đánh tăng dần, liên tục đến hết số thí sinh của Hội đồng thi, đảm bảo trong Hội đồng thi không có thí sinh trùng số báo danh.

Phòng thi được xếp theo môn thi; mỗi phòng thi có tối đa 40 thí sinh; trong phòng thi phải đảm bảo khoảng cách tối thiểu giữa 02 thí sinh ngồi cạnh nhau là 1,2 mét theo hàng ngang. Riêng phòng thi cuối cùng của mỗi môn thi được xếp đến 45 thí sinh; phòng thi cuối cùng của buổi thi môn Ngoại ngữ, được xếp các thí sinh dự thi các môn Ngoại ngữ khác nhau, nhưng phải thu bài riêng theo môn.

Sở GD-ĐT, trường ĐH và trường phổ thông phải làm gì?

Theo dự thảo quy chế tổ chức kỳ thi THPT quốc gia, nhiệm vụ của sở GD-ĐT là tổ chức cho thí sinh đăng ký dự thi, quản lý hồ sơ đăng ký dự thi và gửi dữ liệu đăng ký về Bộ GD-ĐT; chuẩn bị điều kiện về cơ sở vật chất cho kỳ thi.

Cùng với trường ĐH chủ trì cụm thi trình UBND tỉnh ra quyết định thành lập Ban Chỉ đạo thi cấp tỉnh; Đồng thời, phối hợp với trường ĐH chủ trì cụm thi để tổ chức kỳ thi; điều động cán bộ, giáo viên tham gia coi thi, chấm thi, thanh tra thi.

Các trường ĐH sẽ lựa chọn, giới thiệu cán bộ, giảng viên tham gia kỳ thi; Đối với trường ĐH được Bộ GD-ĐT giao chủ trì cụm thi: thành lập Hội đồng thi, các ban của Hội đồng thi, lập danh sách thí sinh dự thi và tổ chức tập huấn nghiệp vụ tổ chức thi.
Các trường phổ thông tiếp nhận Phiếu đăng ký dự thi và kiểm tra hồ sơ của người học đăng ký tại trường; Hoàn thiện dữ liệu đăng ký dự thi và chuyển dữ liệu cho sở GDĐT; in và gửi Giấy báo dự thi cho thí sinh; Tổ chức cho cán bộ, giáo viên và người học học tập quy chế thi, tạo mọi điều kiện về cơ sở vật chất, an toàn cho Hội đồng thi nếu được chọn làm địa điểm thi.

Bộ GDĐT chịu trách nhiệm quản lý dữ liệu điểm bài thi của thí sinh trong kỳ thi, phân phối dữ liệu liên quan cho các sở GD-ĐT để xét tốt nghiệp THPT và cho các trường ĐH, CĐ để làm căn cứ xét tuyển sinh.

Thí sinh đăng ký dự thi theo quy định tại Điều 12 Quy chế này và theo hướng dẫn hằng năm của Bộ GD-ĐT.

  • Nguyễn Hiền
Last Updated on Friday, 19 December 2014 09:37