Hướng nghiệp: AI - Góc nhìn người trong cuộc PDF. In Email
Thứ năm, 30 Tháng 5 2024 22:27


Nhận lời mời của GS. TSKH. Vũ Hoàng Linh, Hiệu trưởng trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Tiến sĩ Hà Anh Vũ, giám đốc kỹ thuật của công ty AI2Incubator đã đến chia sẻ với học sinh Dự tuyển Tin học, trường THPT Chuyên KHTN.

TS. Hà Anh Vũ, từng đoạt HCV IMO năm 1986, du học Đại học tại Hungary, làm Tiến sĩ về AI tại Đại học University of Wisconsin-Milwaukee.

Sau đó TS Vũ có nhiều năm làm việc trong các tập đoàn lớn (Kỹ sư chính tại Bing - Microsoft), founder Allen Institute for AI (AI2), là cố vấn, nhà đầu tư cho AI2 Incubator.

Với trải nghiệm phong phú  trong lĩnh vực học thuật lẫn công nghiệp, TS. Vũ đã chia sẻ rất nhiều kinh nghiệm quý báu trong việc lựa chọn ngành học, kỹ năng xin việc, chuẩn bị hồ sơ, tương lai ngành công nghệ cho học sinh.



Thông tin dưới đây là tóm lược buổi chia sẻ của Nguyễn Minh Nhật (thành viên Đội tuyển Tin học năm 2023, năm 2024) và Trần Phạm Gia Bảo (thành viên Dự tuyển Tin học năm 2023).

Phần 1: Start-up

T.S Vũ chia sẻ một số điểm đáng chú ý khi nói về start-up. Đầu tiên, khi muốn làm startup thì phải có khách hàng mục tiêu, đồng thời, vấn đề cần giải quyết phải là đủ phổ biến và thực sự gây khó chịu cho khách hàng (hair-on-fire problem). Do đó, khi tạo một startup, cần có ít nhất 2 người sáng lập (founder): người đặt ra vấn đề cần được giải quyết (phải có khả năng tìm được đúng vấn đề và hỏi câu hỏi hay), và người đưa ra giải pháp.

Điểm thứ 2 TS. Vũ nhấn mạnh qua câu chuyện kể về một công ty được định giá 50 triệu đô sau 7 năm thành lập ông có cơ hội tiếp xúc, theo dõi: chú ý đến chi tiết (extreme attention to detail), không ẩu tả qua loa được.

Khi nói về lý do chính mà startup tan rã, TS. Vũ nhấn mạnh chính là: không giải quyết được tranh chấp giữa những người sáng lập. Nói về tranh chấp quan điểm giữa các founder, T.S Vũ lấy làm tiếc vì founder tranh chấp có rất nhiều, đặc biệt là nếu không phải một nhóm bạn, chưa hiểu nhau được nhiều năm thì sẽ rất khó giải quyết.

Khi được hỏi về điều kiện mềm cần thiết để startup thành công, T.S Vũ nhấn mạnh rằng các điều kiện này riêng cho từng người, như có những người cần tiền để chăm cho gia đình. Thế nên cần tính trước trường hợp tệ nhất rồi cân nhắc. Tuy nhiên, đặc biệt nên làm nếu có một ý tưởng đột phá, hay còn gọi là “hair-on-fire problem”.

Phần 2: Job

Được hỏi về các kỹ năng cần để tìm việc, T.S Vũ vui vẻ khen ngợi khả năng lập trình (coding) của học sinh chuyên KHTN. Vấn đề cần chú ý là khả năng giao tiếp (interpersonal abilities): Sẵn sàng lên tiếng về vấn đề, nhận ra giá trị của vấn đề, làm việc với người thích hợp để họ sẵn sàng chi tiền,….

TS. Vũ cũng chia sẻ về sự cạnh tranh khốc liệt ở thị trường việc làm hiện nay và đưa ra lời khuyên về việc phải tìm cách bù đắp, khắc phục nhược điểm phổ biến của lao động người Việt. Đặc biệt TS. Vũ nhấn mạnh ở Đại học cần đặc biệt coi trọng kết nối (networking) và thực tập (intern) mặc dù việc học một trường Đại học có tên tuổi sẽ đem lại ưu thế nhất định.

Phần 3:  Một số nhận định cá nhân

Nói về ý kiến cá nhân về tiềm năng của AlphaGeometry, T.S Vũ thấy rất có thể sẽ thành hiện thực vì theo ông Toán có thể hệ thống hoá kiến thức lại để làm cho AI học.

Vấn đề tranh cãi nhiều AGI thì ông bình luận rằng khi con người tiên đoán sự phát triển của công nghệ, thường đánh giá quá cao trong ngắn hạn, và đánh giá thấp trong dài hạn. Ông nói trong dài hạn AI sẽ “scary”.

Về các ngành phát triển mạnh nhất về AI trong 5 năm tới đây:

-        Synthetic data, vì dữ liệu đã có sẵn đã và đang sắp hết giá trị sử dụng, tạo ra dữ liệu mới để tu chỉnh sẽ rất quan trọng.

-        Làm thế nào để kích thước tăng (Model to, nhiều parameter, data to hơn, …)?

-        Đột phá cấu trúc (architecture) trong rèn luyện AI.

T.S Vũ cũng đánh giá cao machine behavior là một thứ khá hay, đặc biệt là Anthropic gần đây mới có bài báo cáo giải thích về AI hoạt động như thế nào, các bạn có thể xem bài đăng về đột phá mới nhất.

Ngoài ra, ông cho rằng các phần mềm hỗ trợ code như Copilot thay thế được coding chứ không hoàn toàn thay thế được con người, hững kĩ sư tốt nhất thường sẽ dùng chúng để tăng tốc công việc. Mặt khác, khả năng AI chiếm việc software developer trong 5 năm là rất thấp, 10 năm trở lên thì sẽ không xảy ra đột xuất. Ông nhấn mạnh software developer sẽ luôn cần nên nếu tệ nhất thì thị trường sẽ ít đi chứ không thể bỏ đi được.

Kết thúc buổi trò chuyện, T.S Vũ cũng nói rằng mỗi tuần ông đọc 20 – 25 papers, lọc ra ứng dụng hoặc khởi nghiệp hay để viết thành một bài báo.

Các học sinh lớp Dự tuyển Tin năm 2024 cũng như các học sinh lớp Dự tuyển khóa trước ấn tượng nhất là việc cập nhật liên tục thông tin mới của TS. Vũ cũng như các thầy. Ông minh chứng cho chúng tôi lời các thầy vẫn nói: phải có kiến thức nền tảng sâu rộng về một lĩnh vực thì mới có thể có những nhận định, dự đoán sắc sảo về vấn đề đó.


Nguyễn Minh Nhật & Trần Phạm Gia Bảo

Cập nhật ngày Thứ năm, 30 Tháng 5 2024 22:42