There are no translations available.
PGS.TS Nguyễn Vũ Lương phân tích: Nhiều ý kiến cho rằng kỳ thi phổ thông thực sự hình thức và không hiệu quả vì tỉnh nào cũng đỗ trên 90%. Điều này hoàn toàn đúng.
Nhiều ý kiến cho rằng nếu bỏ kỳ thi tốt nghiệp thì học sinh sẽ không học. Điều này lại cũng đúng. Ta lấy ví dụ học sinh học khối A1 thì kiến thức Hóa học và sinh học coi như bằng 0, thậm chí ngay ở các trường chuyên.
Nhiều ý kiến cho rằng các nước có nền giáo dục nặng như Nhật hay Hàn Quốc thì sự phát triển không chỉ ngành giáo dục mà các ngành kinh tế khác nhanh với tốc độ ta không ngờ được. Thế thì tại sao phải thi dễ đi một cách hình thức như vậy.
Từ những ý kiến rất đúng như vậy, ta thấy vẫn có mâu thuẫn vì chúng ta suy nghĩ trong nội hàm của vấn đề “thi cử” mà chưa nối sang các nội dung khác như đổi mới phương pháp giảng dạy, đánh giá, nghiên cứu nên chưa giải quyết được mâu thuẫn trong tranh luận một cách thỏa đáng.
PGS.TS Lương đưa ra ý kiến: Để thay thế kỳ thi THPT bằng một cách đánh giá nhẹ nhàng, hiệu quả hơn như: Kỳ thi được giao cho từng trường chịu trách nhiệm. Các môn học xã hội học sinh có thể viết các bài thi tổng kết theo một ngân hàng đề bài soạn trước. Các môn khoa học tự nhiên, các em có thể thi qua mạng theo ngân hàng đề cho trước. Với cách thi này, học sinh luôn hạnh phúc vì có thể đạt được mong muốn của mình, Các em được học thực sự có hiệu quả.
Các kỳ thi đại học nên thi chung để đánh giá trình độ công bằng hơn. Đề thi có tính phân loại cao. Tuy nhiên, có thể thi chung cho từng nhóm trường và nội dung thi nên cập nhật các kiến thức mới để khuyến khích học sinh tự học, tự nghiên cứu. Hình thức thi có thể rộng hơn nhằm phân loại, đánh giá học sinh theo tiêu chuẩn đề ra của từng trường.
Thực chất nội dung thi hiện nay vẫn phù hợp với nội dung giảng dạy hiện hành và nếu có cải cách hoặc thay đổi cũng không nhiều nên việc tổ chức thi thành công còn phụ thuộc vào cách tổ chức thực hiện đơn giản, hiệu quả và khuyến khích, động viên việc học hàng ngày.
Nhiều ý kiến trái chiều về kỳ thi quốc gia năm 2015 nên Bộ GD-ĐT chưa thể "chốt" phương án thi.
GS Nguyễn Khắc Phi: Không nên động đến phương án 2 và 3!
Trước khi đi vào ý kiến của mình, GS Nguyễn Khắc Phi cho biết, có người nói vui: Bộ đưa ra 3 phương án nhưng thực ra chỉ có 1: Đó là nhập 2 kỳ thi làm 1. Vấn đề này đã có một vài ý kiến không chuẩn xác như cho rằng đó là 2 kỳ thi có tính chất như nhau. Đành rằng đã gọi là “thi” thì bao giờ cũng giống nhau ở chỗ “đánh giá phẩm chất và năng lực” song đánh giá như thế nào và để làm gì thì có những khía cạnh khác nhau. Vấn đề là trong hoàn cảnh của Việt Nam hiện nay, hai kỳ thi có một số nết giống nhau ấy nhưng mục tiêu tính chất khác nhau có thể nhập làm một không. Phần được, phần không được là gì? Điều quan trọng nhất là phải có điều kiện tiên quyết gì để đảm bảo cho phần “được” chiếm ưu thế.
Tôi thiên phương án nhập 2 kỳ thi vào 1 nhưng còn phải chuẩn bị kĩ hơn, đặc biệt là vấn đề đảm bảo tính khách quan công bằng trong việc chấm thi và cơ chế cho các trường đại học lựa chọn sinh viên được dễ dàng và chính xác.
Nếu nhất thiết nhập 2 kỳ thi thì chọn phương án nào trong “ba” phương án do Bộ đề xuất? Theo tôi không phải bàn nhiều, tôi chọn phương án 1, hai phương án sau dứt khoát không được vì đụng đến nhiều vấn đề gay cấn là “tích hợp”.
TS Nguyễn Thị Lan Phương - Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam: Nên duy trì thi như năm 2014
TS Nguyễn Thị Lan Phương cho rằng: Nên duy trì kỳ thi tốt nghiệp theo phương án năm 2014. Xem xét, chuẩn bị kỹ các điều kiện để đổi mới thi một cách hệ thống hơn.
Nói về 3 phương án thi mới, Tiến sĩ Phương cho hay, chúng ta chỉ đánh giá năng lực học sinh thông qua điểm thi, vậy nếu như đúng ngày thi các em bị ốm hay vì lý do nào khác không làm được bài thì tương lai cũng bị ảnh hưởng.
Vậy nên, cần đưa thêm các yếu tố khác vào để đánh giá học sinh. Bởi không thể đánh giá học sinh thông qua mấy buổi thi. Con người chúng ta ai cũng thế, khi muốn chứng minh năng lực của mình thì cần một quá trình chứ không chỉ trong một vài thời điểm. Nếu chỉ điểm thi không lại tăng áp lực cho học sinh nếu chúng ta không cho thêm các kết quả đánh giá quá trình của học sinh vào 3 phương án thì chưa thể nói rằng đánh giá khách quan, tin cậy.
Hồng Hạnh