"Không chỉ sống bằng truyền thống"- Ngô Bảo Châu |
Thursday, 15 September 2011 17:56 |
There are no translations available.
(Theo Vietnamnet) GS Ngô Bảo Châu, trước khi trở lại ĐH Chicago (Mỹ) sau 3 tháng ở Việt
Nam làm việc cho Viện Nghiên cứu cao cấp về Toán, đã về trường cũ khai
giảng trong những ngày đầu tháng 9. Tới Trường Tiểu học thực nghiệm Liễu
Giai sáng nay, 5/9 ông không phát biểu nhiều bởi “các cháu sẽ rất mệt”.
Còn trong lần trở lại “tổ ấm A0” – hồi cấp 3 nay đã thành ngôi trường
mang tên Trường THPT Chuyên Khoa học Tự nhiên, người học trò đã thành
danh này đã chia sẻ những suy nghĩ của mình. Dưới đây là phát biểu của
GS: GS Ngô Bảo Châu phát biểu trong Buổi lễ khai giảng năm học 2011-2012 tại Trường THPT Chuyên Khoa học Tự nhiên, ĐHQGHN. Như các em ngày hôm nay, cũng ngày này 25 năm trước, tôi lần đầu tiên đến Mễ Trì để nhập học vào khối chuyên Toán của Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, với tình cảm hồi hộp, bỡ ngỡ. Hồi hộp vì đây là mái trường này đã đào tạo ra những con người là thần tượng như Đào Trọng Thi, Đàm Thanh Sơn,... đối với cậu học trò là tôi lúc đó. Bỡ ngỡ vì đây là buổi đầu ở một ngôi trường mới, thầy cô giáo mới, rất nhiều bạn bè mới từ khắp các tỉnh miền Bắc như Hải Dương, Hà Nam Ninh, Thanh Hóa,... Tôi còn nhớ hôm đó, bạn này thì còn mặc áo vá, bạn kia còn mặc quần cộc bởi vì các bạn tôi lớn nhanh quá mà tiêu chuẩn vải của bố mẹ thì đã hết rồi. Bạn mới trở thành bạn quen rất nhanh chỉ sau một trận đá bóng ngay trên sân xi măng phía bên trái hội trường chúng ta đang ngồi hôm nay. Cứ thế 3 năm trôi qua rất nhanh trên những chiếc bàn ghế xiêu vẹo trong những lớp học nhỏ của khối THPT chuyên Toán. Ba năm với biết bao kỷ niệm vui từ lớp học Địa lý của thầy Việt; những bài giảng Văn mê hồn của cô Hoa; giờ giảng Toán của thầy Hùng, thầy Sơn; đến những kỷ niệm buồn, đau xót của cái chết của thầy Thiệp. Ba năm A0 là 3 năm mà chúng tôi đã trưởng thành với bao kỷ niệm vui, buồn, từ lũ trẻ quần cộc trở thành những chàng trai, cô gái trẻ. Bây giờ mỗi lần gặp lại, tôi nhận ra rằng ba năm A0 vẫn in trong tâm khảm của các bạn tôi. Khối chuyên Toán A0, được thành lập từ năm 1965 theo sáng kiến của GS Hoàng Tụy, GS. Tạ Quang Bửu và thủ tướng Phạm Văn Đồng. Thủ tướng Phạm Văn Đồng và giáo sư Tạ Quang Bửu là những con người nhiệt huyết và quan tâm tới sự sự nghiệp khoa học kỹ thuật của đất nước. Không có những con người như ông, chúng ta không có ngành khoa học, sự nghiệp khoa học như hiện nay cũng như không có khối chuyên Toán. Chúng ta phải luôn luôn nhớ tới điều đó. Cách đây một năm, khi tôi được Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tiếp, ông có nói: ngày 19/8/2010, khi nhận được tin nhắn biết tin tôi được nhận giải thưởng Fields- giải thưởng Toán học danh giá, thì việc đầu tiên ông làm chính là đến Tòa nhà chính phủ là thắp một nén hương tưởng nhớ cố thủ tướng Phạm Văn Đồng. Điều đó làm tôi rất cảm động. Ý tưởng của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng và cố GS. Tạ Quang Bửu khi thành lập khối chuyên Toán A0 là tập hợp các học sinh năng khiếu, có niềm đam mê toán học trên toàn miền Bắc, bồi dưỡng các năng khiếu toán học đó trở thành các nhà khoa học thực thụ. Trong 45 năm qua, có thể nói khối chuyên Toán A0 đang hoàn thành xuất sắc sứ mệnh đó. 45 năm cũng là một vòng đời. Tham dự buổi khai giảng ngày hôm nay có GS.Trần Văn Nhung. Ông là một trong những học sinh khóa 1 của khối A0. Từ một cậu bé sinh trưởng trong một gia đình nông thôn nghèo ở vùng đồng bằng chiêm trũng, với niềm đam mê toán học, với năng khiếu toán học đặc biệt của mình, “Bé Nhung” đã đến với chuyên Toán A0 và từ cái lò này, trở thành GS. Trần văn Nhung, một nhà khoa học đầu ngành và sau đó là Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo. GS Ngô Bảo Châu và thầy cô giáo, học sinh chuyên Khoa học Tự nhiên. (Ảnh: website Trường ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐHQGHN). 45 năm cũng là một vòng đời, hiện giờ A0 không còn là một thực thể độc lập nữa mà đã là một phần của cơ thể lớn hơn. Đó là Trường THPT chuyên Khoa học tự nhiên thuộc Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội. Quá khứ và truyền thống dù có huy hoàng đến đâu, dù có đáng tự hào đến đâu cũng chỉ là cái để chúng ta hồi tưởng lại chứ không bao giờ là cái mà chúng ta hướng tới. Tôi nghĩ bây giờ là thời điểm quan trọng để thầy và trò, đặc biệt là thầy Hiệu trưởng Nguyễn Vũ Lương và những học sinh cũ của trường cần suy nghĩ xem tương lai, vị trí của A0, của Trường THPT Chuyên Khoa học Tự nhiên sẽ như thế nào? Cá nhân tôi nghĩ đây là một việc rất quan trọng. Chúng ta cần phải suy nghĩ xem giá trị của khối chuyên Toán nằm ở đâu? Theo cá nhân tôi, giá trị đó chính là Trường THPT Chuyên KHTN là trường THPT nhưng lại nằm trong Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội – là nơi có nhiều giáo sư đầu ngành trong cả nước. Đó chính là điểm mạnh nhất của Trường. Còn nhớ khi học ở chuyên toán A0, tôi đã được học các thầy như thầy Vĩnh dạy đại số, thầy Ruận dạy logic, thầy Thắng dạy số học. Lúc đó, tôi thấy chúng rất khô khan, nhưng sau này tôi hiểu ra chúng thực sự có giá trị. Đó là thế mạnh mà A0 có được: tất cả các ngành, các môn chúng ta đều có được các giáo sư đầu ngành thuộc Trường ĐHKHTN, ĐHQGHN giảng dạy. Chúng ta phải làm thế nào để tạo sự liên kết giữa Trường THPT Chuyên KHTN và Trường ĐHKHTN. Trường ĐHKHTN và ĐHQGHN cần có chiến lược đặc biệt hơn. Đó là một vài suy nghĩ nhỏ của tôi. Và tôi cũng nghĩ rằng, mỗi người hãy cùng đóng góp suy nghĩ, trách nhiệm với Trường. Không chỉ sống bằng truyền thống của mình mà phải tự tìm ra một vị trí mới, một con đường mới xứng đáng với truyền thống, quá khứ của chúng ta. Cuối cùng tôi xin chúc các thầy cô và các em học sinh một năm mới với nhiều thành tích tốt đẹp. Xin cảm ơn! Mời các bạn đọc thêm ở Diễn đàn dành cho các thế hệ học sinh THPT chuyên KHTN và những người quan tâm: http://hsgs.edu.vn/forum/Thread-T%E1%BA%A3n-m%E1%BA%A1n-Kh%C3%B4ng-ch%E1%BB%89-s%E1%BB%91ng-b%E1%BA%B1ng-truy%E1%BB%81n-th%E1%BB%91ng-Ng%C3%B4-B%E1%BA%A3o-Ch%C3%A2u |
Last Updated on Thursday, 15 September 2011 18:00 |