HAPAC tổ chức buổi “Giao lưu tên lửa nước-Kết nối niềm đam mê” |
Thursday, 31 January 2013 20:59 | |
Vào sáng chủ nhật ngày 20/1/2013, tại sân Viện Y học Hàng không, câu lạc bộ Vật lí ứng dụng và thiên văn trường THPT chuyên Khoa học Tự nhiên (HSGS Applied Physics & Astronomy Club-HAPAC) đã tổ chức một buổi giao lưu tên lửa nước với chủ đề “Kết nối niềm đam mê” cho giữa các CLB vật lí-thiên văn của các trường THPT chuyên trên địa bàn Hà Nội, gồm: chuyên KHTN, chuyên Hà Nội-Amsterdam, chuyên Chu Văn An, chuyên Ngoại Ngữ, chuyên Nguyễn Huệ, cùng Hội thiên văn nghiệp dư Hà Nội.
Chương trình được HAPAC tổ chức nhằm tạo sân chơi khoa học bổ ích cho các bạn trẻ trong và ngoài trường chuyên KHTN, kích thích trí tò mò, đam mê khám phá, qua đó giúp gắn kết các CLB tham gia để cùng nhau học hỏi, chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm trong lĩnh vực vật lí-thiên văn. Bắn tên lửa nước là một hoạt động khoa học đã được giới trẻ tiếp cận từ rất lâu, chủ yếu là học sinh trung học và sinh viên đại học. Hoạt động này rất được yêu thích vì đơn giản, dễ làm (dựa trên các tính chất vật lý cơ bản). Một chiếc tên lửa nước được cấu tạo bằng một hoặc nhiều khoang, chứa nước và không khí. Chất liệu thường dùng cho tên lửa là vỏ chai nhựa, bên trong có chứa một lượng nước nhất định theo tính toán. Cánh và đuôi tên lửa được làm từ giấy bìa, nhựa và một số nguyên liệu có độ cứng. Cơ chế hoạt động của tên lửa nước là nhờ vào áp suất không khí. Với lượng nước có sẵn, các đội phóng tên lửa sẽ bơm khí nén vào bên trong tên lửa. Lúc này, áp lực khí nén khiến cho nước phun ngược ra từ phần đuôi tên lửa và đẩy nó bay đi. Tên lửa nước thông thường có thể bay xa đến 200m. Đối với những tên lửa nhiều tầng chồng lên nhau thì việc tính toán sao cho nó hoạt động "mượt mà" khó khăn hơn, đòi hỏi các đội không chỉ kỹ thuật mà còn cả kinh nghiệm. Các tiết mục bắn của các nhóm, CLB đến từ các trường được biểu diễn tự do, không bị giới hạn cách thức trình diễn khả năng của tên lửa mình.
Các bạn trẻ hăng hái tiếp nước-nguyên liệu chính của tên lửa nước. Tại buổi giao lưu, những màn trình diễn tên lửa nước hoành tráng của các học sinh khối THPT đã khiến khán giả ngỡ ngàng:
Chu Văn An là đội bắn đầu tiên, mở màn bằng quả tên lửa một tầng 45o.
Teen Nguyễn Huệ thu hút người xem bằng màn biểu diễn tên lửa 4 tầng 90o với thiết kế chốt giật đặc biệt.
Hội thiên văn nghiệp dư Hà Nội góp vui với tiết mục tên lửa ghép tầng. Bạn Nguyễn Thị Huyền Trang (10A1 Lý- CLB HAPAC – THPT chuyên Khoa học Tự nhiên) cho biết: “Chúng tôi đã tự nghiên cứu, thực nghiệm, tìm các video trên mạng để học hỏi thêm, ngoài ra còn được các thầy cô góp ý để hoàn thành tên lửa. Chúng tôi hi vọng chương trình sẽ dựng lên chiếc cầu nối gắn kết lòng đam mê giữa các bạn trẻ trong lĩnh vực vật lí-thiên văn, đặc biệt là lĩnh vực tên lửa nước”. (Theo VOV) Thích thú với màn bắn tên lửa nước 5 tầng, bạn Trần Vũ Tuấn (HS lớp 11A2, THPT Chu Văn An) nói: “Vì đam mê với môn này nên em kêu gọi mọi người tham gia thành lập CLB được hơn 2 tháng. Em thực sự thấy thích thú với sân chơi bổ ích này, chúng em hiểu rõ sự khác nhau giữa lý thuyết và thực hành”. (Theo Soha.vn)
Teen HAPAC chuyên KHTN gây ấn tượng mạnh với màn bắn 4 quả tên lửa 2 tầng cùng lúc bằng bệ kép.
Tiếp sau đó là quả tên lửa 4 tầng 90o bung dù đẹp mắt của HAPAC. Đội hình team HAPAC - chuyên KHTN với các loại “vũ khí” của mình. Dù tham dự buổi giao lưu với đội hình hơn nửa là con gái nhưng teen chuyên Ngoại Ngữ đã bắn rất thành công quả tên lửa 1 tầng 45o với tốc độ bay rất cao, vượt tòa nhà 8 tầng và bay xa hơn 200m. Niềm vui hân hoan của các chàng trai trường chuyên Hà Nội - Amsterdam sau khi thực hiện thành công cú bắn 1 tầng 60o bay cao hơn tòa nhà 10 tầng. Khá tiếc nuối phần thi bắn không thành công tên lửa nước, Nguyễn Hoàng Thắng (HS 11 chuyên Lý, THPT Chuyên Nguyễn Huệ, Hà Đông) chia sẻ: “Nhóm mình đã có 2 năm kinh nghiệm, bọn mình rất thích thú vì chỉ làm tên lửa trong 5 ngày. Tuy nhiên, có vài trục trặc nhỏ nên chưa như ý muốn. Hoạt động ngoại khóa giúp mình có nhiều kiến thức môn Vật lý và các môn khác”. (Theo Soha.vn) Buổi giao lưu đã mang đến một ngày cuối tuần thật thú vị và bổ ích cho những người tham gia. Bà Lê Thị Mỹ (53 tuổi -Thanh Xuân- Hà Nội) chia sẻ: “Tôi thật sự rất ấn tượng với những gì các cháu làm được. Tôi hi vọng sẽ có nhiều sân chơi khoa học như thế này hơn để thế hệ trẻ, đặc biệt là các cháu học sinh có cơ hội được thể hiện sự năng động, sáng tạo của mình”. (Theo VOV)
Nguyễn Thanh Tùng Phó trưởng nhóm HAPAC |
|
Last Updated on Thursday, 31 January 2013 21:56 |