Sức mạnh của khoảng trống |
Tuesday, 11 June 2013 08:26 | |
There are no translations available.
Graffiti của Banksy Có một câu chuyện kể có một người cha mua cho con trai mình một trái bóng bay đẹp . Cậu con trai vui sướng cầm trái bóng đi bên cha nhưng chẳng may lỡ tay tuột mất sợi dây khiến trái bóng bay vụt đi. Thấy con tiếc nuối, đau khổ nhìn theo trái bóng bay xa dần, người cha an ủi : “Đừng buồn con ạ, cha sẽ mua cho con một trái bóng khác”. Lát sau, cậu bé vui vẻ vơi trái bóng mới, không còn nghĩ ngợi gì tới trái bóng đã mất nữa. Câu chuyện kết thúc với lời bàn rằng, đó là một người cha giàu có, nhưng đứa con của ông rồi sẽ nghèo túng về tinh thần.
Trong ánh mắt của đứa trẻ nhìn theo trái bóng bay xa dần có một bầu trời phóng nhiệm. Đó là khi đứa trẻ có thể bắt đầu có những cảm nhận mơ hồ nhưng rất trực quan về sự rộng lớn của thế giới, từ đó nhận ra sự hữu hạn của bản thân mình. Thế nhưng, người cha của cậu bé đã vô tình phá vỡ không gian phóng nhiệm này.
Can thiệp một cách vô thức và có hệ thống Người cha ấy cũng như đa số người lớn chúng ta thường sợ hãi trước sự trống trải trong tâm tưởng và gán cho nó ý nghĩa tiêu cực. Chúng ta xua đuổi nó bằng cách tự làm bận rộn bản thân mình với những suy nghĩ tính toán lấp đầy trong tâm trí. Tương tự như vậy, chúng ta tìm cách xua đuổi sự trống trải khỏi đầu óc con trẻ, lấp đầy tâm trí của chúng bằng những món đồ chơi. Mà nếu để ý ta thấy rằng hầu hết các món đồ chơi – từ búp bê bé xinh tới chiếc ô tô bằng nhựa nho nhỏ – đều chỉ nhằm thu nhỏ không gian trong tâm trí đứa trẻ, tạo cho nó cảm giác mình đang xâm chiếm và làm chủ không gian riêng một cách tuyệt đối. Tạo hóa đã ban cho con người bản năng thiên tính là cảm giác nhàm chán, nhằm giúp ta vượt thoát ra khỏi những không gian giả tạm chật hẹp. Bởi vậy, dù món đồ chơi có tinh xảo đến đâu thì đứa trẻ sớm muộn sẽ cảm thấy nhàm chán và không còn thỏa mãn với không gian hẹp mà món đồ chơi xinh xắn mang lại. Sự trống trải xâm nhập tâm trí nó, ngầm nhắc nhở rằng ở ngoài kia là một không gian rộng lớn hơn, thật hơn, tự nhiên hơn, mà sớm muộn nó phải đối diện và tìm cách thích nghi. Thế nhưng, người lớn không cho con trẻ cơ hội được thích nghi với không gian rộng lớn xa lạ ấy. Họ xua đi nỗi nhàm chán và nỗi trống trải trong đứa trẻ bằng cách tiếp tục mua về những món đồ chơi mới, cái sau cuốn hút hơn cái trước. Cứ như vậy, đứa trẻ trở nên nghiện cảm giác lấp đầy tâm trí. Tới một ngày kia nó chủ động tự làm bận rộn tâm trí của mình với những cám dỗ từ trò chơi điện tử, phim hoạt hình, sách comic và manga, v.v. Mặc dù các ông bố bà mẹ vẫn có thể tạo cơ hội để trẻ tìm thấy những khoảng trống (hay khoảng lặng) cần thiết, được khơi gợi trong những cuốn sách văn học phù hợp với lứa tuổi của mình. Nhưng sách văn học vốn khó cuốn hút trẻ như những thứ cám dỗ khác, và không phải ông bố bà mẹ nào cũng có thói quen chọn lọc sách đọc cho con hoặc đọc sách cùng con. Ở góc nhìn tổng quát hơn, có thể thấy việc người lớn can thiệp vào khoảng trống trong tinh thần trẻ em là một quá trình vô thức và mang tính hệ thống. Ngay từ khi đứa trẻ chớm hình thành nhận thức, người lớn luôn tìm cách đáp ứng mọi đòi hỏi của trẻ một cách nhanh chóng nhất. Mỗi khi đứa trẻ gặp phải áp lực từ một khoảng trống trong tâm tưởng, nó sẽ đưa ra một đòi hỏi nào đó mà thường thì đơn thuần chỉ nhằm giành được sự quan tâm từ người lớn để xua đi khoảng trống mà nó đang phải đối diện. Thế nhưng một đứa trẻ luôn được đáp ứng các đòi hỏi sẽ dễ nhàm chán với những gì mình đang có, và giải pháp để nó đối phó với sự nhàm chán ấy là tiếp tục cầu viện những sự trợ giúp từ bên ngoài. Tâm trí của đứa trẻ bị bế tắc trong những chuỗi đòi hỏi liên tục và mất đi khả năng vượt qua khoảng trống một cách tự thân. Đứa trẻ sẽ dễ trở nên chán nản, dẫn tới bỏ cuộc trước các vướng mắc, bế tắc trong cuộc sống. Nó cũng sẽ không đủ lòng kiên nhẫn để trải nghiệm các sự vật một cách thấu đáo, và điều này làm hạn chế năng lực thấu hiểu, đồng cảm với con người và các sự vật xung quanh. Kiến tạo không gian để vượt qua khoảng trống Tự thân vượt qua khoảng trống chính là một phần trong quá trình phát triển tự nhiên của mỗi con người. Nó là sự tự định vị bản thân mình nhằm vượt qua sự bối rối và hẫng hụt ban đầu khi phải đối diện với khoảng trống. Vào khoảnh khắc trái bóng của cậu bé trong câu chuyện bay vút lên không trung, hay khi một đứa trẻ nào khác đánh mất món đồ chơi yêu thích, hoặc đơn giản khi nào chúng gặp điều gì đó không vừa ý – một cú ngã khi đang chơi đùa chẳng hạn – đó là khi chúng đối diện với một thực tế mới mà chúng chưa quen trải nghiệm, một không gian xa lạ với đầy những biến hóa nằm ngoài những gì đã quen biết. Ngay trong khoảnh khắc bối rối ấy, bản năng tự nhiên của con người trỗi dậy thúc đẩy đứa trẻ tự định vị bản thân, đối diện với không gian xa lạ trước mặt, và tìm cách tương tác với nó nhằm đạt được một vị thế hài hòa cân bằng. Song hành với việc tự định vị bản thân là tiến trình tự lấp đầy khoảng trống bằng cách xây dựng cho mình một không gian nội tâm phong phú riêng. Khi đứa trẻ lắng nghe câu chuyện cổ tích, hay khi chơi cùng những món đồ chơi, đó là khi chúng đang hình thành trong tâm trí những không gian nội tâm, với các sự vật giả tưởng và xúc cảm cá nhân gắn với những sự vật ấy. Đây là một quá trình vừa tự xây, vừa tự khám phá, và liên tục được bồi bổ từ những thông tin thu nhận được trong thực tế đời sống, mà ẩn trong quá trình đó là hình dung của đứa trẻ về bản thân nó trong thế giới. Một thế giới nội tâm khỏe khoắn lành mạnh đòi hỏi hai yếu tố. Một là nó đủ độ phong phú để giúp đứa trẻ vượt qua áp lực từ khoảng trống mà không cần đến sự trợ giúp từ bên ngoài, đặc biệt là những can thiệp quá độ từ người lớn. Hai là nó không quá méo mó xa rời thực tế, mà phản ánh được những quy luật căn bản của đời sống, bao hàm những giá trị cần thiết như lòng yêu cái thiện, sự trung thực, lòng dũng cảm, v.v. Trong thế giới nội tâm ấy, khoảng trống không nhất thiết bị loại trừ, thậm chí cần có những khoảng trống không bao giờ nên vượt qua. Chúng chính là yếu tố giúp nuôi dưỡng ý thức cầu tiến vươn lên, những khát vọng hoài bão chinh phục các mục tiêu chưa đạt tới. Khả năng tự tạo lập không gian một cách phong phú trong nội tâm để tự định vị mình trước những hoàn cảnh mới là chìa khóa để trẻ vững bước vào đời. Đồng thời, nó cũng là cơ sở để trẻ thấu hiểu và đồng cảm với thế giới. Cây cầu bắc tới sự đồng cảm Khác với quan điểm của nhà giáo dục Phạm Toàn cho rằng cần tạo ra năng lực đồng cảm ở trẻ em trước khi hướng dẫn chúng tưởng tượng về các sự vật1, người viết bài này cho rằng năng lực đồng cảm là hệ quả của năng lực hình dung ra các không gian. Nếu chúng ta không hình dung ra những không gian liên quan tới một đối tượng, thì không thể có sự đồng cảm thực sự với đối tượng đó. Cảm xúc của chúng ta về một cá nhân nào đấy không thể được khơi dậy đơn thuần từ những thông tin về tuổi tác, nguyên quán, nghề nghiệp, v.v, mà phải từ thân phận của người ấy, hay nói cách khác là vị thế của người đó trong không gian2, bao gồm các không gian vây bọc bên ngoài đối tượng (địa điểm, thời gian, bối cảnh, v.v) và không gian nội tâm bên trong nhân vật. Và để có những xúc cảm thấm thía hơn, chúng ta phải xâm nhập được vào khoảng trống trong tâm can họ, để biết được họ đã nỗ lực vượt qua áp lực từ khoảng trống ấy như thế nào. Không phải ngẫu nhiên mà rất nhiều các tác phẩm văn học hay điện ảnh thường tạo ra mối đồng cảm gắn kết giữa công chúng độc giả với nhân vật bằng cách đẩy nhân vật vào giữa những khoảng trống đầy bất trắc và phải tìm mọi cách, mọi nỗ lực để vượt qua khoảng trống ấy nhằm tìm ra chỗ đứng của mình trong thế giới. Bởi vậy, yếu tố làm toát lên thần thái của những cậu bé đánh giày, bà lão nhặt phế liệu, và cũng là điều khơi dậy xúc cảm thấm thía trong chúng ta, không hẳn là ở những mô tả về sự vất vả nhọc nhằn hay những lo toan thường nhật của nhân vật, mà đôi khi lại chính là niềm vui, niềm hi vọng nhỏ bé đơn sơ của họ lóe lên sau những nỗ lực bền bỉ dồn nén. Hay yếu tố làm toát lên thần thái một người mẹ chưa chắc nằm ở những nỗ lực kiên trì chăm lo cho con cái mỗi ngày, mà đôi khi lại gói trọn trong một nét cười thoáng qua trên khóe mắt chớm có nếp nhăn. Thời khắc con người đối diện với khoảng trống của số phận và chớm vượt qua nó bằng sức mạnh tinh thần cũng chính là lúc phẩm chất người được toát lên mạnh mẽ nhất, và khiến chúng ta đồng cảm hơn hết. Đó cũng là lý do khiến những bản nhạc không lời, tuyệt chẳng có câu từ nào, chỉ đơn thuần gợi lên ấn tượng mơ hồ về vị thế của chủ thể trong các dạng không gian, thời gian, nhưng vẫn có thể để lại trong lòng người nghe sự lắng đọng da diết. Trả lại khoảng trống cho các em Bạn đọc có thể hỏi làm sao trẻ em có thể cảm nhận được những sắc thái tinh tế nói trên? Câu trả lời là, năng lực cảm nhận của trẻ em tinh tế hơn chúng ta tưởng rất nhiều. Chẳng thế mà trong vô số những lữ khách đi qua ga tàu điện ngầm ở New York, người dành sự quan tâm đáng kể đầu tiên tới bài biểu diễn của nghệ sỹ violon tài danh Joshua Bell là một em bé 3 tuổi3. Để tạo điều kiện giúp trẻ em phát huy và phát triển năng lực cảm nhận, hãy trả lại cho các em những khoảng trống để các em tự định vị mình và thích nghi với các môi trường khác nhau. Khi trẻ đối diện với áp lực từ khoảng trống trong tâm tưởng và đưa ra các đòi hỏi, không nên đáp ứng những đòi hỏi này ngay tức khắc. Sự bao bọc dỗ dành này của người lớn nhằm giúp trẻ đi đường tắt quay về trạng thái an toàn ban đầu sẽ chỉ khiến đứa trẻ trở nên bị động và nảy sinh tâm lý phòng thủ, tự tạo ra rào cản cho mình trong cuộc sống. Có chăng, người lớn chỉ nên cùng trò chuyện, thúc đẩy trẻ vượt qua cảm giác hẫng hụt tạm thời bằng cách tiếp tục khám phá, tìm kiếm, nhận biết những điều tích cực trong một không gian rộng mở hơn. Chẳng hạn, thay vì hứa hẹn mua bóng mới cho con, người cha trong câu chuyện có thể trò chuyện với con về những sự vật xung quanh trái bóng, những tán cây xanh, nóc nhà rêu mốc, những ô cửa sổ bí ẩn, về một em bé vô danh nào đó trong tưởng tượng nhặt được trái bóng sẽ trân trọng và trở thành bạn thân của trái bóng ra sao, v.v. Mục đích chính của những lời trò chuyện ấy từ người cha không nhằm an ủi em bé, mà chủ yếu kích thích trí tưởng tượng của con trẻ, tạo ra thói quen kiến tạo không gian trong tâm tưởng ở mọi tình huống, điều sẽ giúp em tự lực vượt qua khoảng trống trong những lần tiếp theo. Khi mà những món đồ chơi đã mất đi ánh hào quang long lanh ban đầu và trở nên nhàm chán, người lớn không nên tìm cách lấp đầy khoảng trống trong trẻ bằng cách mua tiếp những món đồ chơi mới, mà hãy cùng trẻ chơi với những món đồ chơi cũ, trò chuyện và gợi mở để trẻ xây dựng một không gian mới trong tâm tưởng, trong đó các đồ vật tưởng chừng như cũ kỹ nhàm chán được trẻ phân công cho những vai diễn mới, qua đó tạo ra một hệ thống những xúc cảm mới từ những đồ chơi cũ. Đọc sách cùng con trẻ là biện pháp tuyệt vời để giúp trẻ thoát ra ngoài cái tôi cố hữu, tự hình dung bản thân trong những không gian bên ngoài mình, sống trong những cuộc đời khác, tâm thế khác, giúp hình thành trong các em cái nhìn sâu và rộng hơn trước mọi sự vật. Bên cạnh đó, hãy thường xuyên đặt thật nhiều câu hỏi về không gian, thời gian của các đối tượng mà các em có thể quan sát trong đời thực, hình dung suy nghĩ, xúc cảm của các nhân vật và yêu cầu các em biểu đạt những xúc cảm này. Việc biểu đạt không nhất thiết bằng ngôn từ mà có thể bằng ngôn ngữ tạo hình, ví dụ có thể yêu cầu các em nói về ấn tượng sâu đậm nhất đối với một sự vật nào đó, và yêu cầu vẽ lại đúng theo ấn tượng mà các em hình dung. Không gì kích thích trí tưởng tượng và năng lực tự định vị bản thân ở trẻ em hơn việc diễn đạt bằng hình vẽ, màu sắc trên trang giấy trắng. Cuối cùng là dạy trẻ gắn kết bản thân mình với thế giới. Khi đứa trẻ trong trạng thái buồn chán, hoặc tỏ thái độ cố thủ trong thế giới riêng của mình và không muốn giao lưu, kết nối với bên ngoài, thì hãy tìm cách mở rộng thế giới của các em. Hướng dẫn các em tập thể dục, chăm sóc người thân, hoặc làm những việc nhà trong gia đình. Đây đều là những cách thức hiệu quả giúp tăng cường năng lực tự định vị bản thân, sự nhận biết cuộc sống một cách khách quan hơn. Dạy trẻ cảm nhận những tín hiệu trong lành của đời sống, như hơi thở của chính mình, hơi thở của người thân, để giúp các em sống trong tâm thế tự chủ, cảm thấy rõ hơn sự hiện hữu của bản thân mình và mối gắn kết với không gian xung quanh. Chúng ta thực hiện điều này và lắng nghe mỗi ngày. Khi trong từng lời nói, câu chào, những hành vi sinh hoạt thông thường nhất, có những chuyển biến tích cực về sắc thái biểu cảm; khi những tương tác hằng ngày trở nên tự nhiên hơn, giảm đi những ràng buộc ước lệ; khi những thay đổi trong đời sống được thích nghi bằng tinh thần đối diện và khám phá thay vì lảng tránh, cố thủ, thì đó là căn cứ rõ ràng cho thấy các em đã gắn kết và thích nghi tốt hơn với thế giới xung quanh mình. --- 1 http://tiasang.com.vn/Default.aspx?tabid=113&News =5462&CategoryID=6 2 Tham khảo thêm phần Cội nguồn cảm xúc của người trong Phần 1 bài Vị thế và Không gian http://tiasang.com.vn/Default.aspx?tabid=62&News=4530&CategoryID=41 3 http://urbanlegends.about.com/od/music/a/violinist_metro.htm |