Sai lầm cha mẹ hay mắc khi dạy con tuổi teen |
Friday, 04 November 2011 16:12 | ||
There are no translations available. Quát mắng thậm tệ rất nhiều lần mà cô con gái mới lớn vẫn chẳng đụng tay vào việc nhà, kể cả dọn phòng riêng, chị Niên bực quá liền phạt con bằng cách bỏ đến nhà bạn chơi, không nấu ăn hay giặt đồ cho con nữa.
Chị Niên những tưởng cách này sẽ khiến con gái phải học cách tự phục vụ mình. Thế nhưng, vài ngày sau chị càng đau đầu bởi cô con gái mấy hôm mẹ vắng nhà chỉ pha mì tôm hay dùng đồ ăn sẵn, không chịu xuống bếp. Quần áo bẩn chất đống, nhà cửa bừa bộn. Chị bực bội mắng chửi con một hồi thì nó đùng đùng bỏ đi. Nhà giáo Đặng Thị Lệ Thủy, Giám đốc Trung tâm bồi dưỡng kỹ năng Smile House cho biết, đây là một trường hợp học viên mới tham gia lớp học kỹ năng của trung tâm dành cho trẻ 11-16 tuổi và phụ huynh nhờ bà tư vấn mới đây. Bà cho rằng, việc rèn cho con tính tự lập cần được làm từ khi trẻ còn nhỏ. Còn người mẹ trong trường hợp này, lúc con còn bé thì làm thay hết mọi việc, nuông chiều con hết mực nhưng khi con lớn lại không thể chấp nhận được tính lười biếng và bừa bãi của con. Cách phạt của chị chỉ thể hiện sự thiếu trách nhiệm và bất lực, chứ không hề hiệu quả. Theo bà, trong trường hợp này, người mẹ nên lập lại trật tự dần dần, rèn cho con tính tự lập, ngăn nắp một cách từ từ. Và ban đầu, hãy chia sẻ, nói chuyện với con thật nhẹ nhàng, và phải nhận lỗi về mình: "Con lười như thế này là tại mẹ. Mẹ đã quá chiều chuộng và không hướng dẫn con làm mọi việc. Mẹ có thể tiếp tục làm giúp con một năm hay nhiều năm nữa, nhưng sau đó, khi phải sống tự lập, con sẽ rất khó khăn. Bây giờ mẹ thấy mình phải sữa lỗi, vì con. Con phải giúp mẹ nhé". Và từ đây, hãy phân công cho trẻ những việc cụ thể, dễ dàng trước, chẳng hạn như cho quần áo vào máy giặt..., sau đó mới tiếp tục với các việc khác. Đừng quên khích lệ mỗi lần con làm tốt hay vui vẻ góp ý khi trẻ chưa hoàn thành việc đã nhận.
Là giáo viên dạy văn hơn 30 năm, từng cộng tác với một số trung tâm kỹ năng sống cho trẻ, tiếp xúc với nhiều thế hệ học trò và cả các bậc phụ huynh, nhà giáo Đặng Thị Lệ Thủy chia sẻ những cách sai lầm mà bố mẹ dùng để phạt con, khiến trẻ khó tiến bộ: Cắt giảm mọi khoản chi tiêu của trẻ Được cô giáo gọi điện về thông báo chiều nay cậu con trai lớp 11 trốn tiết đi chơi game, vợ chồng anh Khanh (Từ Liêm, Hà Nội) nổi giận đùng đùng và quyết định phạt con bằng cách sẽ cắt hết mọi khoản tiền tiêu vặt, ăn sáng của con. Anh chị cũng ra mệnh lệnh: Từ nay, tất cả các khoản như đóng học phí, mua sách vở, đồ dùng học tập, thậm chí cả tiền gửi xe ở trường sẽ do anh chị mang đến tận nơi đóng hay đi kèm con để mua chứ không cho cháu cầm như trước. Hiệu quả chưa thấy, cậu con trai anh chị tỏ ra bất mãn, chẳng nói chẳng rằng với bố mẹ và tiếp tục chơi game nhiều hơn, bằng tiền ở đâu ra anh chị cũng không biết. Theo bà Đặng Thị Lệ Thủy, đây là một kiểu phạt phản tác dụng bởi có thể đẩy trẻ vào tình thế sẽ tìm các cách xoay tiền, trong đó có thể là chơi theo bạn xấu hay ăn cắp. Theo bà, với trẻ lớn, nhất là khi các con ở tuổi vị thành niên, bố mẹ nên hướng dẫn trẻ hiểu giá trị và cách quản lý đồng tiền, thay vì coi đó là phương tiện trừng phạt. Mắng trẻ bằng lời lẽ thiếu kiềm chế, khẳng định trẻ là "hư hỏng", "không ra gì"... Thấy con sắp đến kỳ thi tốt nghiệp cấp hai mà vẫn lơ là học tập, chị Thảo thường xuyên chì chiết, kể công nuôi dưỡng và bảo" "Chả biết thương mẹ là gì. Mẹ thì làm lụng vất vả, con thì lêu lổng. Mày cứ thế thì chẳng làm gì được cho đời đâu. Bao công sức của tao lại đổ xuống sông, xuống biển". Trong một buổi thảo luận tại lớp học kỹ năng chia sẻ, khám phá bản thân tại Smile House, cậu con trai chị Thảo cho biết, thực ra em rất thương mẹ vì biết bố chỉ ham bia bọt, nhậu nhẹt, chỉ có mẹ vất vả lo cho mấy chị em. Nhưng em không thể gần gũi chia sẻ với mẹ được vì lúc nào mẹ cũng cho em là đứa vô tâm, bỏ đi. Em cũng cảm thấy chán nản và nghĩ mình là kẻ "không ra gì" thật. Theo chuyên gia giáo dục, bố mẹ nào cũng nghĩ rằng trẻ hiểu rằng mình mắng mỏ chỉ vì thương con nhưng họ không biết những lời nói kiểu "dán nhãn" cho trẻ những thói hư tật xấu sẽ khiến con suy nghĩ tiêu cực và tạo khoảng cách với phụ huynh. Bêu riếu trẻ trước mặt người khác Mỗi khi có cô, bác đến chơi, chị Hòa lại kể xấu cậu con trai "Thằng này học dốt lắm, lại còn lười nữa". Chị nói với chuyên gia: "Nói thế cho nó biết xấu hổ mà thay đổi chứ lớn rồi mà cứ trơ ra, chán lắm". Bà Đặng Thị Lệ Thủy cho biết, đây là một sai lầm mà rất nhiều vị phụ huynh mắc. Các ông bố bà mẹ quên rằng không ai thích bị bêu xấu trước mặt nhiều người, kể cả chính họ. Với trẻ, điều này vừa làm tổn thương lòng tự trọng của chúng, vừa khiến chúng cảm thấy không kính trọng, nể phục bố mẹ. Đừng bao giờ lấy những khuyết điểm của trẻ nói trước mặt người khác, kể cả những người thân trong gia đình. Hãy nhẹ nhàng trò chuyện góp ý riêng với trẻ và cùng con tìm cách khắc phục. Cấm đoán những thứ bố mẹ cho là xấu Phát hiện con thường xuyên chát chit và có lần còn xem phim sex trên mạng, anh Xuyên liền mắng té tát một trận, sau đó, cắt luôn internet, cấm con không được "làm những việc tầm bậy" nữa. Anh thấy con chẳng tỏ vẻ phản đối gì thì yên tâm cho rằng cháu đã biết sai mà không hay rằng, sau đó, nó thường xuyên nghỉ học ra quán net gần cổng trường chat, xem phim... Theo nhà giáo dục, đây là một hình phạt khá "buồn cười" mà các vị phụ huynh khi bất lực hay dùng tới. Bà cho rằng đáng lẽ ra cần giúp trẻ nhận thức, định hướng được cái gì là nên, không nên và nhẹ nhàng giải thích tại sao, hay chia sẻ với con trải nghiệm bản thân về những điều đó thì bố mẹ lại ngay lập tức bật đèn đỏ ngăn con lại. Họ không hiểu rằng cấm đoán chỉ xây một bức tường ngăn cách với con và tạo điều kiện để con nói dối. Đánh con Không ít phụ huynh, dù không muốn dùng hình phạt này nhưng nhiều khi mất bình tĩnh, hay cảm thấy bất lực vẫn áp dụng. Theo nhà giáo dục, trẻ càng lớn lòng tự trọng càng cao. Việc làm này khiến trẻ cảm thấy bị tổn thương, xúc phạm, đồng thời khiến hố sâu ngăn cách giữa bố mẹ và con cái không bao giờ xóa được. Một số trẻ khác thì trở nên lỳ lợm, vô cảm, thậm chí có khuynh hướng bạo lực sau một thời gian chịu những trận đòn từ cha mẹ. "Hãy tìm hiểu nguyên nhân, lắng nghe con và tìm những cách hợp lý để trẻ hiểu hành vi nào là chấp nhận được hay không. Hãy luôn là một người bạn của con - một người bạn lớn, đáng kính, đáng tin cậy chứ không phải theo kiểu bạn bè đồng vai phải lứa", bà Thủy chia sẻ. Vương Linh vnexpress.net |