“Bí quyết” của ngôi trường THPT có tới 238 huy chương khu vực và quốc tế |
Friday, 07 September 2018 12:32 |
There are no translations available. Dân trí Đến nay, học sinh trường THPT Chuyên Khoa học Tự nhiên – trường ĐH Khoa học tự nhiên – ĐH QGHN đã giành 238 huy chương các loại tại đấu trường khu vực và quốc tế, trong đó có 198 huy chương tại các kỳ thi Olympic quốc tế với 58 huy chương Vàng, 72 huy chương Bạc và 68 huy chương Đồng.
Nguyễn Phương Thảo (thứ 2 từ trái sang) giành cú đúp Huy chương vàng Olympic Sinh học quốc tế và cô giáo Thanh Huyền (thứ tư từ trái sang) cùng các bạn học sinh Trường THPT Chuyên Khoa họcTự nhiên, ĐHQGHN Nôi đào tạo nhân tài Trường THPT chuyên Khoa học Tự nhiên là một trong những đơn vị giàu thành tích nhất cả nước về đào tạo học sinh các khối chuyên về khoa học tự nhiên, đang dần khẳng định vị thế trong các trường THPT danh tiếng của khu vực và thế giới. Đến nay, học sinh trường THPT Chuyên Khoa học Tự nhiên – trường ĐH Khoa học tự nhiên – ĐH QGHN đã giành 238 huy chương các loại tại đấu trường khu vực và quốc tế, trong đó có 198 huy chương tại các kỳ thi Olympic quốc tế với 58 huy chương Vàng, 72 huy chương Bạc và 68 huy chương Đồng. Năm 2018 là năm bội thu huy chương của học sinh Trường THPT chuyên Khoa học Tự nhiên với 03 huy chương Vàng, 01 huy chương Bạc và 01 huy chương Đồng ở các kỳ thi Olympic quốc tế Toán học, Vật lý, Hóa học, Sinh học năm 2018. Đặc biệt, em Nguyễn Phương Thảo là thí sinh đạt số điểm cao nhất của kỳ thi Olympic Sinh học lần thứ 29 được tổ chức tại Iran. Nhiều cựu học sinh của Trường đã gặt hái được những thành quả nhất định. Những tên tuổi như: GS. Đàm Thanh Sơn đoạt Huy chương Vàng Olympic Toán quốc tế năm 1984 nay là Giáo sư Vật lý tại khoa Vật lý, Trường ĐH Chicago (Hoa Kỳ); GS. Ngô Bảo Châu đạt Huy chương Vàng Olympic Toán các năm 1988 và 1989, giải thưởng Fields (năm 2010) và hiện đang là Giáo sư Toán học tại khoa Toán của Trường ĐH Chicago (Hoa Kỳ), đồng thời là Giám đốc khoa học Viện nghiên cứu cao cấp về Toán của Việt Nam. Năm 1974, trong kỳ thi tại Đức, học sinh Khối A0 Hoàng Lê Minh đã mang về huy chương Vàng Olympic Toán học quốc tế đầu tiên cho Việt Nam, mở ra giai đoạn mới với những thành tích rực rỡ trong các kỳ Olympic của khối chuyên nói riêng và học sinh cả nước nói chung. Bên cạnh những cựu học sinh tên tuổi như GS. Đàm Thanh Sơn, GS. Ngô Bảo Châu, TS. Hoàng Lê Minh…, các thế hệ học sinh Trường THPT chuyên Khoa học Tự nhiên đang viết tiếp tên mình lên bảng vàng thành tích của Nhà trường như: Nguyễn Thế Hoàn (hai năm liên tiếp giành huy chương Vàng Olympic Toán học), Đinh Quang Hiếu, Phạm Đức Anh (hai năm liên tiếp giành huy chương Vàng Olympic Hóa học), Đỗ Thị Bích Huệ (nữ sinh thứ hai trong lịch sử học sinh Việt Nam tham dự Olympic Vật lý giành huy chương Vàng), Nguyễn Phương Thảo (thí sinh có tổng điểm cao nhất Olympic Sinh học)… Đây là những tên tuổi cho thấy thành công đặc biệt hiệu quả của mô hình đào tạo phổ thông năng khiếu của ĐHQGHN. Được biết, trường THPT chuyên Khoa học Tự nhiên, tiền thân từ lớp chuyên Toán A0 (thuộc Trường ĐH Tổng hợp Hà Nội) thành lập năm 1965, bắt nguồn từ ý tưởng của GS. Hoàng Tụy về việc phát hiện và bồi dưỡng học sinh năng khiếu. Đây là lớp năng khiếu đầu tiên của cả nước để tạo nguồn đầu vào cho các trường đại học ở trong và ngoài nước, chuẩn bị nguồn nhân lực chất lượng cao cho công cuộc xây dựng đất nước sau này. Lần đầu tiên tham dự Olympic Toán học quốc tế tại Cộng hòa dân chủ Đức và được cọ xát, học hỏi tại đấu trường quốc tế, năm 1974, đoàn học sinh Việt Nam đã giành 1 huy chương Vàng, 1 huy chương Bạc và 2 huy chương Đồng. Hoàng Lê Minh – học sinh khối chuyên Toán trở thành người đầu tiên giành huy chương Vàng, mở ra một giai đoạn với những thành tích rực rỡ trong các kỳ Olympic của khối chuyên nói riêng và học sinh cả nước nói chung. Từ thành công của khối chuyên Toán, các khối chuyên khác lần lượt được thành lập tại Trường ĐH Tổng hợp Hà Nội và Trường ĐH Khoa học tự nhiên, ĐHQGHN sau này. Đến năm 1997, Trường ĐH Khoa học Tự nhiên đã có 5 khối THPT chuyên thuộc các khoa Toán – Cơ – Tin học, Vật lý, Hoá học, Sinh học. Đến năm 2010, Trường THPT chuyên Khoa học Tự nhiên (thuộc Trường ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐHQGHN) được thành lập trên cơ sở thống nhất các Bộ môn THPT chuyên của trường. GS. Ngô Bảo Châu trong lần về thăm Trường THPT Chuyên KHTN - nơi anh từng học tập Áp dụng phương pháp “tự do trong học thuật” Điều gì làm nên thành công của một trong những cơ sở đào tạo tài năng hàng đầu đất nước?, thầy Lê Công Lợi hiệu trưởng trường THPT chuyên Khoa học tự nhiên cho biết, hiện nay, phòng thí nghiệm của nhà trường vẫn “chưa đáp ứng được yêu cầu”, học sinh vẫn chủ yếu “học chay” và “học ảo trên các trang mạng” nhưng với với quá trình tuyển chọn đầu vào chặt chẽ và khắt khe là nền tảng vững chắc cho trường gặt hái thành công. Theo thầy Lợi, khi có trò giỏi thì phải có thầy giỏi cộng với phương pháp học tiên tiến, kích thích tư duy và kỹ năng đã làm nên chất lượng các khoá đào tạo. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất, làm cho quá trình đào tạo của Trường THPT chuyên Khoa học Tự nhiên chính là “sự tự do trong học thuật”. “Tự do trong học thuật” ở đây có thể hiểu là thầy đưa ra vấn đề, gợi mở, và trò là người giải quyết vấn đề. Trong lớp không khí đối thoại, phản biện được đề cao, thầy trò rất “gần nhau”. Ý kiến của học trò được thầy tôn trọng tuyệt đối thì mới thấy được sức sáng tạo vô hạn của học trò. Một lợi thế của trường THPT chuyên Khoa học tự nhiên là nằm trong Trường ĐHKHTN, ĐHQGHN - một trường đại học danh tiếng trong cả nước về khoa học cơ bản - học sinh khối chuyên được đào tạo bởi đội ngũ nhà khoa học hàng đầu đất nước về các lĩnh vực khoa học tự nhiên, trong đó có nhiều giáo sư nổi tiếng. Nhờ tận dụng chất xám của những nhà khoa học ở bậc đào tạo cao đã dẫn tới sự khác biệt trong phương thức giảng dạy và cách thức truyền đạt kiến thức. Khối lượng kiến thức trong chương trình đào tạo đã được nâng cao lên rất nhiều theo hướng vừa mở rộng kiến thức nền lại vừa chuyên sâu. Phương pháp tư duy và kỹ năng được nhà trường đặc biệt quan tâm truyền dạy. Điều đặc biệt ở ngôi trường này là hàng năm đều tổ chức các hội nghị nghiên cứu khoa học cho học sinh. Các kết quả này đều được các học sinh viết bằng tiếng Anh như một bài báo khoa học. Đây là những bước đi ban đầu để học sinh là quen với việc tìm tòi sáng tạo, một kỹ năng rất quan trọng của nguồn nhân lực cao. Học sinh trường THPT chuyên Khoa học tự nhiên - ĐH KHTN - ĐH QGHN Tài năng chỉ qua tôi rèn hun đúc đặc biệt mới có Chia sẻ về quãng thời gian học tập tại khối chuyên KHTN, GS.TSKH Trần Văn Nhung - học sinh khoá I khối chuyên Toán cho biết: “Cái mới, cái sáng tạo ở lớp chuyên Toán Ao và các lớp chuyên nói chung sau này là rèn luyện cho học sinh khả năng tư duy, sáng tạo trong học tập, nghiên cứu khoa học và vận dụng vào cuộc sống. Chúng tôi đã rất may mắn được dạy dỗ bởi những thầy giáo, những nhà toán học tài năng và nhiệt huyết. William A. Warrd có câu nói rất hay về người thầy: "Người thầy trung bình chỉ biết nói, người thầy giỏi biết giải thích, người thầy xuất chúng biết minh hoạ, người thầy vĩ đại biết cách truyền cảm hứng". Trong Lễ khai giảng năm học mới 2018 - 2019, PGS.TS Giám đốc ĐH Quốc gia Hà Nội Nguyễn Kim Sơn đã có bài phát biểu truyền cảm hứng cho học sinh, ông cho rằng, một trong những sứ mệnh quan trọng nhất của ĐHQGHN là phát hiện, bồi dưỡng nhân tài cho đất nước từ cấp học phổ thông tới sau đại học. ĐHQGHN đã và đang cố gắng làm tốt điều đó. Trong ĐHQGHN, Trường THPT chuyên KHTN là cái nôi quan trọng của việc đào tạo tài năng. Ở đó, không phải tất cả các em đều là tài năng, nhưng câu chuyện về tài năng thì là chuyện của tất cả mọi người, từ người lãnh đạo, quản lý, các vị phụ huynh và các em học sinh. Theo ông Sơn, tài năng là tài sản của cá nhân, của gia đình và của đất nước. Cần nhấn mạnh lại là tài năng chỉ qua tôi rèn hun đúc đặc biệt mới có. “Ngọc bất trác bất thành khí” (ngọc mà không qua đẽo gọt thì không thành đồ quý). Không qua chọn lựa thì không thấy đá quý, đá quý đẽo gọt mới thành ngọc, ngọc gia công mài dũa mới thành vật thiêng quý. Phẩm chất năng khiếu mới chỉ là những đá quý, muốn thành ngọc - tài năng cần qua rèn luyện. Ngôi trường THPT chuyên là nơi đẽo gọt, tôi rèn tạo ra những viên ngọc quý tài năng cho đời. Trong thực tế, nhân tài có năng lực tự đào tạo, tự học và tự trưởng thành mạnh mẽ. Việc đẽo gọt sẽ tạo tựu nhân tài công phu hơn là chỉ tác động từ bên ngoài. Trong đó, tạo dựng môi trường học tập sáng tạo, biết cổ vũ, khích lệ, hỗ trợ, vun đắp là những yếu tố quan trọng nhất của sự nghiệp này. Hồng Hạnh |