Bồi dưỡng nhân tài sao chỉ nhắm huy chương PDF Print E-mail
Monday, 29 October 2018 12:54
There are no translations available.

TTO - PGS.TS Nguyễn Vũ Lương - chủ tịch hội đồng khoa học Trường THPT chuyên Khoa học tự nhiên (ĐHQG Hà Nội), cho rằng việc phát hiện, bồi dưỡng nhân tài đang bị hiểu sai.

Bồi dưỡng nhân tài sao chỉ nhắm huy chương - Ảnh 1.

Cùng với việc phát hiện và bồi dưỡng, nhiều ý kiến cho rằng Nhà nước cần có chính sách đầu tư bài bản cho các tài năng để họ có thể phát huy năng lực của mình - Ảnh: NHƯ HÙNG

Vẫn ủng hộ duy trì những ngôi trường nuôi dưỡng nhân tài, nhưng PGS.TS Nguyễn Vũ Lương - chủ tịch hội đồng khoa học Trường THPT chuyên Khoa học tự nhiên (ĐHQG Hà Nội) - cho rằng việc phát hiện, nuôi dưỡng nhân tài đang bị hiểu sai.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, PGS.TS Nguyễn Vũ Lương cho biết:

- Năm 1965, Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã ủng hộ việc thành lập trường chuyên, lấy đó là cái nôi nuôi dưỡng nhân tài cho đất nước, đã 55 năm trôi qua nhưng tôi vẫn cho rằng quan điểm đó là đúng và cũng nhờ có sự chỉ đạo đó mà Trường THPT chuyên Khoa học tự nhiên (trước đây chỉ là khối chuyên Khoa học tự nhiên của ĐHQG Hà Nội - PV) đã có nhiều thế hệ học sinh thành đạt, đang có những đóng góp ở nhiều lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực nghiên cứu khoa học.

Đến nay hệ thống trường chuyên có ở các tỉnh thành. Có những trường chuyên được đầu tư to đẹp, nhưng tôi lại thấy học sinh chuyên bây giờ không bằng học sinh chuyên của 10-20 năm trước.

Nếu quan niệm trường chuyên mở ra chỉ để lập đội tuyển nhằm đi thi là sai lầm và nhân tài cũng không có nghĩa chỉ là những người đi thi đoạt giải. Giải thưởng, huy chương có được từ các cuộc thi quốc tế, khu vực chỉ là một thước đo đối với các trường chuyên khi học sinh của ta được tham gia các sân thi chung với học sinh các nước.

Phải là nơi tạo nên thách thức, đam mê

* Vậy theo ông, một ngôi trường bồi dưỡng nhân tài phải như thế nào?

- Trước đây trường chuyên thường được phụ huynh thích vì môi trường học tập lành mạnh, học sinh có điều kiện phát triển, cảm thấy hạnh phúc vì khi học tập trở thành đam mê thì sẽ khiến người học hứng thú, theo đuổi. Tuy nhiên, bây giờ không phải trường chuyên nào cũng là một môi trường như thế.

Quan điểm phải vào được trường chuyên, phải vào được đội tuyển, phải đi thi có giải đôi khi lại làm thui chột những khả năng riêng của mỗi học sinh. Vì nhân tài không chỉ là những học sinh trong đội tuyển đi thi học sinh giỏi trong và ngoài nước, mà có thể là nhiều học sinh khác với những thứ được trang bị thành công ở các lĩnh vực khác của đời sống.

Bồi dưỡng nhân tài sao chỉ nhắm huy chương - Ảnh 2.

Thí sinh Nguyễn Cảnh Hoàng, THPT chuyên Phan Bội Châu (Nghệ An), rạng rỡ trở về trong vòng tay người thân và thầy cô giáo sau khi giành huy chương vàng kỳ thi Olympic toán quốc tế 2017 - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH

Tôi không thích từ "trường chuyên" mà cho rằng nên đổi nó thành trường bồi dưỡng nhân tài hay một tên gọi khác đúng hơn. Và ngôi trường đó theo suy nghĩ của tôi trước hết phải là môi trường để học sinh hình thành, hoàn thiện nhân cách tốt, là môi trường quan hệ thầy trò trong sáng, người thầy không phải là các "ngôi sao" mà chỉ là người hỗ trợ để trò phát triển, thành công.

Nó không phải để chỉ dạy những kiến thức cao siêu, mà cũng dạy nội dung kiến thức cơ bản như trường phổ thông khác, chỉ là cách thức thực hiện phải đặc biệt, hiệu quả.

Những học sinh ưu tú của trường chuyên đi thi quốc tế có giải cũng không phải những người có kiến thức chuyên sâu như một nhà khoa học mà chỉ là những học sinh nắm kiến thức cơ bản vững vàng và khéo léo trong vận dụng.

Điều quan trọng mà những nơi nuôi dưỡng nhân tài tạo nên cho học sinh là đưa ra những thách thức để học sinh biết cách vượt qua thách thức, truyền cho học sinh sự đam mê và theo đuổi đến cùng đam mê đó.

* Trong bối cảnh hiện nay, theo ông, việc nuôi dưỡng nhân tài để có những đóng góp hữu ích cần phải như thế nào?

- Bây giờ chúng ta đã quen khi nghe nói về cách mạng 4.0. Vậy để có nhân lực chất lượng, có nhân tài đáp ứng sự thay đổi hướng tới một nền công nghiệp 4.0 có nghĩa con người phải có trình độ, tâm thế để làm chủ kỹ thuật công nghệ.

Mục tiêu đặt ra với học sinh trường tôi là giỏi khoa học tự nhiên, tin học, ngoại ngữ, có khả năng hòa nhập, chia sẻ với cộng đồng, có khả năng hợp tác, khả năng thuyết phục, dẫn dắt để góp phần kiến tạo xã hội.

Ngoài ra, bao trùm lên tất cả, phải rèn luyện để học sinh có nhân cách tốt. Không có nhân cách tốt thì giỏi cũng không thể có đóng góp có ích cho cộng đồng, cho đất nước.

Vì thế trong chương trình dạy học, không chỉ có dạy các môn chuyên mà cho học sinh tham gia hoạt động nghiên cứu khoa học, hoạt động cộng đồng, đưa ra các vấn đề có ý nghĩa với cuộc sống để học sinh ứng dụng kiến thức giải quyết...

Và để giúp học sinh quen với việc vượt qua thách thức, nuôi dưỡng đam mê, không thể chỉ xây dựng một con đường học tập dễ dàng quá mà phải khó dần để thách thức luôn ở phía trước.

Bồi dưỡng nhân tài sao chỉ nhắm huy chương - Ảnh 3.

Kết quả dự thi Olympic khu vực và quốc tế từ 2007-2018 - Đồ họa: NHƯ KHANH

* Theo ông, để đầu tư phát triển các trường bồi dưỡng nhân tài thì yếu tố nào nên xếp ưu tiên số 1?

- Theo tôi, nên ưu tiên đào tạo giáo viên giỏi theo hệ thống đánh giá quốc tế, thay thế dần những giáo viên kém, trẻ hóa dần đội ngũ giáo viên.

Tôi được biết nhiều trường chuyên đầu tư xây dựng hoành tráng nhưng giáo viên giỏi không có. Và để bồi dưỡng đội tuyển đi thi học sinh giỏi quốc gia, để mong đoạt giải thì phải đi mời thầy nơi khác về luyện.

Thầy giỏi về cũng chỉ luyện cho đội tuyển trong thời gian nhất định, nhưng để có cách thức tổ chức dạy học, bồi dưỡng nhân tài thì cần có chiến lược để áp dụng đối với tất cả học sinh trong trường đó theo mục tiêu đặt ra.

Nên bỏ chính sách tuyển thẳng ĐH

* Lâu nay ngành GD-ĐT vẫn xem thành tích học sinh giỏi quốc tế, khu vực là thước đo chất lượng giáo dục. Nhưng dư luận lại cho rằng cách chúng ta rèn luyện và đưa học sinh đến các sân thi quốc tế, khu vực chỉ là việc "luyện gà chọi" chứ không phải bồi dưỡng nhân tài. Nhìn ra thế giới, thầy thấy mục tiêu của học sinh các nước khác trong các kỳ Olympic như thế nào?

- Các nước họ đưa học sinh đến các kỳ thi Olympic giống như dự ngày hội của những người thông minh. Đó chỉ là cơ hội giao lưu, học hỏi, khích lệ các học sinh có năng khiếu nỗ lực theo đuổi đam mê.

Giải thưởng không phải mục tiêu quan trọng số 1 của họ. Cũng chính vì thế, nhiều nước cũng có hệ thống trường chuyên nhưng họ không chỉ chú tâm luyện đội tuyển đi thi như chúng ta.

Bồi dưỡng nhân tài sao chỉ nhắm huy chương - Ảnh 4.

Học sinh trao đổi bài sau khi thi tại kỳ thi học sinh giỏi quốc gia cấp THPT năm 2018 - Ảnh: NHƯ HÙNG

* Và để đưa mục tiêu bồi dưỡng nhân tài về mục tiêu đúng thì có nên thay đổi việc khuyến khích học sinh giỏi bằng chính sách tuyển thẳng, ưu tiên xét tuyển ĐH như hiện nay không?

- Có chính sách như thế nên mới có tình trạng tuyển chọn vào đội tuyển và luyện thi để đoạt giải một cách không chính xác. Những năm gần đây học sinh có giải trong hội thi khoa học kỹ thuật quốc gia và quốc tế cũng được ưu tiên xét tuyển, tuyển thẳng. Thế nên cũng có chuyện học sinh đăng ký sản phẩm dự thi nhưng nhờ vả người khác làm.

Việc dự tuyển ĐH phải để các trường ĐH quyết định tuyển chọn theo các tiêu chí phù hợp với đặc thù ngành nghề. Vì có những học sinh được tuyển thẳng nhưng môn học mà học sinh đó có năng khiếu có phù hợp với lĩnh vực đào tạo của ngành mà các em đó được tuyển thẳng đâu. Tôi cho rằng chính sách này nên bỏ. Học sinh có giải thưởng có thể có bằng khen, chứng nhận để lưu hồ sơ, lý lịch cho học sinh...

* GS Bạch Thành Công (chủ tịch Hội đồng chức danh giáo sư ngành vật lý):

Không nên quá ảo tưởng về những tấm huy chương

Nhiều người lo lắng học sinh Việt Nam đoạt giải cao tại các kỳ thi Olympic quốc tế nhưng rồi đường dài về sau lại không thấy dấu tích ở đâu. Chúng ta cũng cần bình tĩnh nhìn đúng giá trị của các giải thưởng từ các cuộc thi chọn học sinh giỏi, thi Olympic quốc tế này. Thành công là cuộc trường chinh dài hơi, chứ không dừng ở kết quả một cuộc thi, một cuộc đua ngắn hạn.

Xét đến cùng, các kỳ thi này cũng chỉ đặt ra các bài toán đã có lời giải để tìm kiếm và lựa chọn người có khả năng tìm ra lời giải nhanh nhất cho bài toán có sẵn trong thời gian nhất định. Còn sự thành công tương lai lại dựa vào sự sáng tạo, sự phát hiện, tìm tòi cái mới chưa ai biết, chưa ai tìm ra. Không ai về đích ngay từ điểm xuất phát nên hậu quả sai lầm của truyền thông quá ghê gớm về các cuộc thi học sinh giỏi sẽ dẫn đến những ảo tưởng mà chúng ta cần sửa chữa lâu dài.

 

* Ông Đặng Tự Ân (giám đốc điều hành Quỹ quốc gia về đổi mới giáo dục phổ thông Việt Nam):

Nhiều nơi mắc bệnh thành tích trầm kha

Mặt tích cực nổi bật của trường chuyên là cung cấp thành viên đội tuyển Việt Nam tham dự các kỳ thi Olympic khoa học quốc tế. Các đội tuyển đã gặt hái được nhiều huy chương qua các kỳ thi. Nhưng trải qua mấy chục năm, những bất cập của trường chuyên ngày càng thấy rõ.

Tuy nói là đào tạo toàn diện, nhưng thực chất hệ chuyên là "dạy chuyên" và "học chuyên", chỉ chuyên sâu vào một môn học, đơn chuyên. Bản chất là trường chuyên biệt, là tập trung nguồn lực dạy đơn chuyên. Bởi vậy cho tới nay, đã quá nửa thế kỷ tồn tại, vẫn chưa có một khái niệm chính xác và đầy đủ về mặt ngữ nghĩa cho khái niệm: trường chuyên là gì?

Nhiều địa phương mắc bệnh thành tích trầm kha. Lấy đo lường chất lượng hệ chuyên bằng những tấm huy chương, bằng số lượng các giải học sinh giỏi quốc gia. Năm nay thành tích phải cao hơn năm trước, đó là mệnh lệnh của lãnh đạo nhiều địa phương.

Nếu vẫn duy trì hệ thống trường chuyên thì cần thiết kế lại. Theo đó, việc tổ chức quá trình dạy học phải đi theo các nguyên lý cơ bản của giáo dục hiện đại. Dạy học qua hoạt động và qua trải nghiệm. Dạy học sinh cách học, cách nghĩ và cách sống, cách làm người. Phát triển cho học sinh các năng lực tự học, phán đoán, hợp tác, giao tiếp và công nghệ. Ở những nơi trình độ tư duy của học sinh mềm mại sẽ chuyển sang mức cao hơn, đó là giáo dục năng lực hoặc giáo dục giá trị cho học sinh.

Và một điểm nữa là cần thay đổi lại phương thức thi cho hệ chuyên. Không thể duy trì cách tổ chức và nội dung thi học sinh giỏi quốc gia như hiện nay, nó quá đi sâu vào học thuật. Có thể tiếp tục tham gia các kỳ thi Olympic khoa học quốc tế. Tuy nhiên nhiệm vụ này nên giao cho số ít các trường ĐH thực hiện, chẳng hạn như Trường THPT chuyên ĐH Khoa học tự nhiên Hà Nội, Trường THPT Năng khiếu ĐHQG TP.HCM, Trường THPT chuyên ĐH Sư phạm Hà Nội. Đây là các địa chỉ có rất nhiều tiềm năng và thực tiễn để dạy học chuyên sâu một môn, theo hướng hàn lâm. Quan điểm này phù hợp với nhiều nước.

 

Vấn đề không phải đoạt giải...

Tại Singapore hay Malaysia, học sinh được đầu tư nhiều để rèn luyện thế mạnh hoặc sở thích ở một lĩnh vực nhất định. Nhưng họ phát triển theo mô hình "câu lạc bộ", nơi học sinh có không gian để sinh hoạt, học tập, nghiên cứu sâu hơn về môn học. Vì vậy công thức đào tạo này giúp học sinh phát huy khả năng tìm tòi, làm việc nhóm và tư thế chinh phục, chứ không phải được luyện để ẵm giải.

Câu chuyện tương tự diễn ra ở Nga, nơi các đội nhóm lứa học sinh có "truyền thống" giành giải cao tại các cuộc thi công nghệ, lập trình, thường được hỗ trợ nghiên cứu và học tập chứ không phải luyện giải đáp những câu hỏi có sẵn.

Noel, một nhà báo tại Malaysia ủng hộ các cuộc thi quốc tế, nói với Tuổi Trẻ: "Tại Malaysia không có các lớp học đặc biệt (để dự thi), nhưng có các câu lạc bộ như câu lạc bộ toán học. Các câu lạc bộ này là những nhóm sẽ đại diện cho các trường tham gia dự thi.

Các học sinh nên tham gia dự thi vì điều đó giúp họ xây dựng cá tính, giúp học sinh mở rộng kiến thức. Vấn đề không phải là giành giải, mà là sự chuẩn bị cho học sinh một tâm thế muốn vươn lên đạt thành tích hữu hình".

Thưởng cao nhất bằng 50 lần mức lương cơ sở

- Học sinh đoạt 2 huy chương vàng thế giới trong kỳ thi Olympic các môn học, nghiên cứu khoa học kỹ thuật hay kỳ thi tay nghề sẽ được tặng Huân chương Lao động hạng nhất.

- Học sinh, sinh viên đoạt huy chương vàng thế giới sẽ được tặng Huân chương Lao động hạng nhì. Học sinh, sinh viên đoạt huy chương vàng châu Á hoặc huy chương bạc thế giới được tặng Huân chương Lao động hạng ba.

- Học sinh, sinh viên đoạt huy chương vàng Đông Nam Á hoặc huy chương bạc châu Á hoặc huy chương đồng thế giới được tặng bằng khen Thủ tướng Chính phủ.

Bên cạnh đó, mức khen thưởng học sinh, sinh viên đoạt giải thế giới như sau: huy chương vàng bằng 50 lần mức lương cơ sở; huy chương bạc: 33 lần mức lương cơ sở; huy chương đồng: 22 lần mức lương cơ sở; khuyến khích: 12 lần mức lương cơ sở.

Đối với học sinh, sinh viên đoạt giải châu Á, mức tiền thưởng như sau: huy chương vàng: 33 lần mức lương cơ sở; huy chương bạc: 22 lần mức lương cơ sở; huy chương đồng: 12 lần mức lương cơ sở; khuyến khích: 7 lần mức lương cơ sở.

(Theo dự thảo nghị định về chế độ khen thưởng đối với học sinh, sinh viên đoạt giải trong các kỳ thi quốc gia, quốc tế).

VĨNH HÀ - NGỌC HÀ - MẠNH ĐỨC
 

Add comment


Security code
Refresh