Giáo sư Konberg: Để có ứng dụng, Việt Nam cần phát triển nghiên cứu cơ bản PDF Print E-mail
Friday, 21 August 2015 10:26
There are no translations available.

Giáo sư đoạt giải Nobel Hóa học 2006 Roger Konberg, một trong những người tham gia tổ chức Hội nghị Khoa học Thế giới Israel, cho rằng để có những ứng dụng khoa học, trước tiên Việt Nam cần phải tập trung đầu tư cho nghiên cứu cơ bản.
israel-7380-1439785502.jpg

Roger Kornberg, nhà khoa học đoạt giải Nobel Hóa học năm 2006, tại lễ khai mạc WSCI ngày 16/8.

Giáo sư Roger Konberg là nhà hóa sinh người Mỹ, hiện là giáo sư tại Đại học Stanford. Kornberg nhận giải Nobel Hóa học năm 2006 cho những nghiên cứu của ông về cơ sở phân tử của sự sao chép thông tin di truyền từ ADN vào ARN trong các sinh vật nhân chuẩn. Ông có cuộc trao đổi vớiVnExpress bên lề Hội nghị Khoa học Thế giới ISrael (WSCI) về hội nghị và việc ứng dụng khoa học vào thực tế ở Việt Nam.

- Điều gì khiến ông tổ chức hội nghị Khoa học thế giới ở Israel?

Hội nghị được tổ chức ở Israel bởi Hội trại khoa học châu Á ở Israel hai năm trước rất thành công, đã truyền cảm hứng cho những người trẻ ở đại học Hebrew và họ muốn có một cuộc hội thảo như thế nữa. Họ đã yêu cầu tôi hỗ trợ và tôi đã tham gia cùng họ. Tôi là chủ tịch của Hiệp hội Khoa học châu Á vào năm 2012.

- Ông đã nói một trong những mục đích chính của hội nghị khoa học lần này là truyền đam mê khoa học cho thế hệ trẻ. Vậy làm thế nào để giữ được đam mê đó sau hội thảo này?

Chúng tôi tin rằng sinh viên tham giam hội thảo này sẽ luôn nhớ về nó vì đây là một sự kiện đặc biệt, điều có thể chỉ diễn ra một lần trong đời họ. Lần đầu tiên 15 nhà khoa học đoạt giải Nobel và hơn 400 học sinh, sinh viên trên khắp thế giới quy tụ về Israel để trao đổi cùng nhau. Vì vậy nếu họ được truyền cảm hứng, tôi tin cảm hứng đó sẽ luôn theo họ. Tôi cũng cho rằng chúng tôi đã thành công cho đến bây giờ.

Tôi tin sẽ còn hội nghị tiếp theo và sẽ được tổ chức theo cách tương tự, nhưng không phải là hoàn toàn giống như thế này. Sau hội nghị này chúng tôi sẽ thảo luận điều gì tốt và điều gì cần cải thiện và chúng tôi sẽ cố gắng làm tốt hơn nữa.

- Một trong những câu hỏi lớn nhất ở Việt Nam hiện nay làm thế nào đưa các nghiên cứu vào ứng dụng thực tế. Ông có lời khuyên gì?

Tôi nghĩ việc ứng dụng các kết quả nghiên cứu vào thực tế rất quan trọng. Nhưng điều đầu tiên chúng ta phải có kết quả nghiên cứu đã. Và những kết quả này chỉ có thể đạt được ở Việt Nam nếu thế hệ trẻ được khuyến khích nghiên cứu cơ bản. Cần phải tìm ra những khám phá trước khi ứng dụng chúng. Thậm chí nếu bạn muốn ứng dụng những khám phá mà người khác đã tìm ra, bạn cần phải hiểu chúng. Đây là vấn đề của chính phủ nhiều nước, chưa đề cao tầm quan trọng của nghiên cứu cơ bản, như tôi đã giải thích, đó là lĩnh hội kiến thức để nắm bắt được nguyên nhân, chứ không phải là để thỏa chí tò mò.

Nếu điều đó làm được, thì sẽ có ứng dụng. Nếu không, ứng dụng sẽ vô cùng khó khăn. Ngay cả nếu các phát hiện được tìm thấy ở một nơi khác, sẽ rất khó khăn để ứng dụng ở Việt Nam vì không có người tham gia vào quá trình tìm ra những phát hiện đó.

- Ông nói sao về việc các nhà khoa học Việt Nam thường ra nước ngoài nghiên cứu?

Tôi đã gặp nhiều nhà khoa học Việt Nam làm nghiên cứu ở nước khác. Và tôi không thể nói rằng đây không phải là một mất mát cho Việt Nam. Vì vậy vai trò của chính phủ là rất quan trọng. Những nhà khoa học ra nước ngoài không muốn về nước bởi vì họ không nhận được sự ủng hộ và không tìm thấy một cộng đồng khoa học ở trong nước. Đầu tư vào khoa học rất nhỏ, không đủ ảnh hưởng đến ngân sách quốc gia. Vì vậy không có lý do gì không đầu tư vào khoa học.

- Có bốn sinh viên Việt Nam tham gia hội nghị khoa học này, ông muốn nói gì với họ?

Nếu họ đam mê khoa học, hãy tiếp tục đam mê. Tôi hy vọng họ sẽ nghiên cứu khoa học ở quê hương họ. Điều đó phụ thuộc vào sự quyết tâm hỗ trợ khoa học của chính phủ và người dân Việt Nam.

kb-3969-1439959597.jpg

Giáo sư Kornberg cùng đoàn Việt Nam gồm 4 học sinh, sinh viên và một giáo sư tại WSCI, Jerusalem, ngày 18/8.

Thùy Trang (vnexpress.net)


 

Add comment


Security code
Refresh