"Nếu chỉ học để thi đỗ Đại học thì không cần trường chuyên" PDF Print E-mail
Friday, 04 September 2015 06:43
There are no translations available.

(GDVN) - Mô hình trường chuyên không còn xa lạ với nhiều người. Tuy nhiên, theo một giáo viên trường chuyên, nếu chỉ cần thi đỗ Đại học thì không cần học trường chuyên.

Trong những năm gần đây, khái niệm trường chuyên đã không còn xa lạ với nhiều người khi xu hướng học và thi vào các trường THPT chuyên phát triển mạnh mẽ. 

Ngày 30/8, câu lạc bộ tình nguyện HVSG tổ chức buổi tọa đàm với thầy Nguyễn Công Toản – Phó chủ nhiệm khối chuyên Vật lí, chủ nhiệm đội tuyển Vật lí Quốc gia trường THPT chuyên Khoa học Tự nhiên về chủ đề “Chuyện trường chuyên” nhằm giải đáp thắc mắc của nhiều phụ huynh và học sinh về trường chuyên. 

Trường chuyên, lớp chuyên Toán đầu tiên ở Việt Nam được thành lập vào năm 1965 đặt tại trường Đại học Tổng hợp do các Giáo sư Tạ Quang Bửu, Giáo sư Ngụy Như Kon Tum, Giáo sư Hoàng Tụy.... với mục đích chọn ra những học sinh đặc biệt xuất sắc để “đào tạo nhân lực chất lượng cao". 

Thầy Nguyễn Công Toản giao lưu cùng bậc phụ huynh và học sinh về "Chuyện trường chuyên"

Trong thời kỳ đầu của hệ thống trường chuyên, khi chỉ mới hình thành một vài lớp phổ thông chuyên ở một số tỉnh, thành hay ở một số trường Đại học, những học sinh chuyên trong thời kỳ này rất nhiều người hiện đang nắm giữ các vị trí lãnh đạo chủ chốt tại các trường đại học lớn, các viện nghiên cứu của Việt Nam và là những cá nhân tiêu biểu nhất của nền khoa học nước nhà. 

Hiện nay cả nước có 9 trường chuyên đặt tại các trường Đại học và 74 trường chuyên đặt tại các Sở giáo dục và đào tạo. 

Dưới cái nhìn của một người trong nghề, thầy Nguyễn Công Toản chia sẻ: 

Mô hình trường chuyên hiện nay ngoài việc giúp học sinh tiếp tục nghiên cứu khoa học cơ bản còn giúp các em vận dụng kiến thức tư duy để ứng biến khi đi làm một cách tốt nhất. 

Chính vì vậy, trường chuyên không chỉ là các nhà nghiên cứu khoa học mà còn có thể tạo ra doanh nhân thành đạt, gọt rũa tạo ra các nhà chuyên môn mũi nhọn…
”. 

Khi hệ thống các trường THPT chuyên được thành lập, học sinh muốn vào học đều phải trải qua kỳ thi tuyển đầu vào hết sức quy củ.

Vì thế, học sinh đỗ trường chuyên là những "tinh hoa" có tố chất, học nhanh, học giỏi.

Khi vào môi trường hàm lượng kiến thức được truyền đạt với tốc độ nhanh, ở mức độ nhiều đã khiến các em được phát huy được năng khiếu, sở trường của mình. 

Nhiều bậc phụ huynh lo ngại rằng, với chương trình học nhiều như vậy sẽ khiến các em căng thẳng. Thầy Toản khẳng định: “Các em đã vượt qua kỳ tuyển sinh đầu vào đầy khốc liệt để được chọn vào trường chuyên ắt hẳn phải là những thí sinh xuất sắc trong tiếp thu nên lượng kiến thức được truyền thụ không có gì gây căng thẳng cả”. 

Không thể phủ nhận lợi thế của các trường chuyên cả về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên và khả năng của học sinh, nhiều hoạt động ngoại khóa giúp các em tự tin hơn, phát triển được khả năng của mình. Tuy nhiên mô hình trường học này đang bị nhìn nhận một cách thiên lệch. 

Bố mẹ ở Việt Nam rất thương con nhưng nhiều người lại muốn sống thay chúng. Ví như nhiều phụ huynh sùng bái trường chuyên, sẵn sàng thúc giục con bằng mọi cách nhồi nhét kiến thức bắt con phải đi học chỗ này, chỗ kia mà không quan tâm tới khả năng của đứa trẻ. 

Kết quả làm con thui chột vì quá tải. “Đây chính là hành động phản kháng của trẻ khi bố mẹ ép chúng trong một cái khuôn”, thầy Toản cho biết. 

Cái nhìn tệ hại hơn khi các bậc phụ huynh hướng con cái tới trường chuyên chỉ nhằm mục đích đây môi trường tốt để thi đỗ Đại học. 

Kiến thức đóng vai trò quan trọng trong sự thành công nên việc hoạch định học hành cho con cái cũng quyết định đến sự thành bại của trẻ. 

Tuy nhiên, việc lựa chọn trường nào phải phù hợp với sở trường và ý nguyện của đứa trẻ. "Nhưng nếu chỉ cần thi đỗ Đại học thì  không cần học trường chuyên", thầy Toản cho biết.  

Bởi học trường chuyên là học kiến thức để kết nối vấn đề, tổng hợp kiến thức để khi ra ngoài thực tế quan sát và khi có cơ hội họ sẽ biết nên làm gì. Việc thi Đại học chỉ xem như một nhiệm vụ của cuộc đời chứ không phải đặt ra mục tiêu sẽ đạt điểm cao nhất. 

Để học tập tại môi trường trường chuyên đòi hỏi học sinh phải có tố chất tư duy, tinh thần tự học, chủ động, tích cực để kiến thức tự trôi vào đầu và được đọng lại thành kiến thức của bản thân chứ không phải chỉ thụ động học của người khác. 

Môi trường chuyên giúp học sinh có không gian tự do phát huy khả năng, tố chất của mình một cách tốt nhất để các em được làm theo sở thích, đam mê.

Khi có kiến thức, có khả năng thì học sinh sẽ luôn giữ cho bản thân một tư thế tự tin, chủ động để đứng vững trước các tình huống.

Chính vì vậy, trường chuyên nhiều học sinh giỏi đoạt giải quốc gia, được tuyển thẳng vào Đại học, hoặc đỗ Đại học với điểm cao. Rất nhiều học sinh từ trường chuyên đã khẳng định mình không chỉ trong nước mà cả nước ngoài bằng việc được đi du học. 

Đã có một khoảng thời gian Bộ GD&ĐT yêu cầu phát triển mạnh mẽ mô hình trường chuyên ở bậc THCS, THPT nhưng hiện nay Bộ đã quán triệt chuyên THCS vì sợ học sinh học lệch. 

Trong buổi giao lưu vào tối 24/8 tại Trung tâm văn hóa Pháp (Hà Nội), Giáo sư Ngô Bảo Châu cho rằng: “Bộ GD&ĐT bỏ mô hình trường chuyên ở bậc THCS là một điều đáng tiếc”. 

Đồng tình với quan điểm của giáo sư Ngô Bảo Châu, thầy Nguyễn Công Toản cho biết: “Suy nghĩ lệch mới đáng sợ. Hơn nữa, học lệch để rồi sắc nhọn một lĩnh vực thì cũng đáng lắm chứ. Còn hơn nhiều là cái gì cũng biết nhưng chẳng biết cái gì đến nơi”.

 

Add comment


Security code
Refresh