Góp ý về đổi mới thi tốt nghiệp THPT: Tỷ lệ đỗ tốt nghiệp đều trên 90%, tại sao chỉ miễn thi 20%? PDF. In Email
Thứ tư, 19 Tháng 2 2014 14:32

(Dân trí)-“Bộ GD-ĐT quá rón rén khi xác định miễn thi khoảng 20%, còn số này quá thấp nên dẫn đến việc xét duyệt đôi khi phức tạp và tiêu cực nhưng cũng chẳng tiết kiệm chi phí là bao. Cả nước có tỷ lệ đỗ tốt nghiệp đều trên 90% thì tại sao chỉ miễn thi 20%?”.
>> Nên bốc thăm hai môn không bắt buộc
>> Phải đổi mới thi theo hướng “thi điện tử”, “tuyển sinh điện tử”

Đó là ý kiến của PGS.TS Nguyễn Vũ Lương - Hiệu trưởng Trường THPT Chuyên Khoa học Tự nhiện (ĐH Quốc gia Hà Nội) góp ý về việc đổi mới kỳ thi tốt nghiệp THPT.
PGS. TS Nguyễn Vũ Lương chia sẻ: Tôi may mắn được họp rất nhiều các hội nghị nên cũng nắm được tinh thần đổi mới căn bản toàn diện của Bộ GD-ĐT. Để làm chính sách mới về đổi mới căn bản toàn diện này thì Bộ GD-ĐT đã làm việc rất nghiêm túc. Chẳng hạn, có rất nhiều các Hội nghị Bộ GD-ĐT đã mời các chuyên gia đầu ngành, các giám đốc Sở, các lãnh đạo, những nhà giáo có kinh nghiệm nhiều năm tham gia thảo luận, đóng góp ý kiến.

Trong vòng tròn của giáo dục thì đầu tiên lập kế hoạch giảng dạy, sau đó đến thực nghiệm giảng dạy, đánh giá và cuối cùng là phản hồi. Như chúng ta đã biết, khâu đánh giá rất quan trọng. Thi đánh giá như thế nào sẽ điều khiển xã hội học theo kiểu đó. Cho nên việc lấy thi cử trước để làm bước đột phá của Bộ là một cách làm thông minh chứ không phải là làm phần ngọn mà bỏ đi phần gốc.

Làm giáo dục phải làm toàn diện chứ không thể làm được một điểm. Trong giáo dục cái tốt mặt này nhưng mâu thuẫn với mặt khác là chuyện thường tình.

Hiện Bộ GD-ĐT đang hướng đến việc thi tốt nghiệp THPT là 4 môn trong đó có 2 môn bắt buộc là Văn Toán, 2 môn còn lại học sinh được chọn trong 5 môn hoặc 6 môn (nếu ngoại ngữ đưa vào tự chọn). Vậy PGS đánh giá như thế nào về chủ trương này?

Như chúng ta đã biết, hàng năm tỷ lệ đỗ tốt nghiệp chung cả nước lúc nào cũng duy trì ở mức trên 90%. Chỉ có năm đầu tiên chúng ta triển khai “hai không” thì tỷ lệ chung có thấp nhưng phần lớn các trường THPT giỏi đều có tỷ lệ đỗ tốt nghiệp rất cao. Chính vì thế việc tổ chức kì thi tốt nghiệp THPT cũng phần nào đó mang tính hình thức nhưng chúng ta không thể bỏ kì thi này được.

Với chủ trương thi 4 bốn môn, xét về góc độ xã hội thì cả giáo viên, học sinh và phụ huynh đều đồng tình ủng hộ. Như chúng ta đã biết, nếu như trước kia thì thí sinh phải hồi hộp chờ đợi đến cuối tháng 3 để biết 3 môn thi tốt nghiệp THPT còn lại. Bây giờ chúng ta cho các em biết trước, xác định mục tiêu ngay từ đâu để học thì sẽ kích thích học sinh hơn.

Nhưng với chủ trương cho biết trước môn thi và cho thí sinh được quyền lựa chọn môn thi dẫn đề việc học lệch, không giáo dục được toàn diện học sinh?

Đúng là sẽ có nhiều người lo lắng với chủ trương thì 4 môn sẽ dẫn đến học sinh bỏ học môn này, môn kia. Xét về góc độ nào đó thì sự lo lắng này là cần thiết song chúng ta cũng cần nhìn thẳng về giáo dục hiện tại. Nếu chưa có chính sách này thì liệu học sinh có bỏ môn này, môn kia hay không? Tôi khẳng định là có. Cho nên việc học sinh có học toàn diện hay không hoàn toàn phụ thuộc vào nhà trường.

 

PGS.TS Nguyễn Vũ Lương - Hiệu trưởng Trường THPT Chuyên Khoa học Tự nhiện (ĐH Quốc gia Hà Nội)
PGS.TS Nguyễn Vũ Lương - Hiệu trưởng Trường THPT Chuyên Khoa học Tự nhiện (ĐH Quốc gia Hà Nội).

 Có một chính sách rất hay của Bộ GD-ĐT đó là chính sách nhà trường, nghĩa là thời gian tới giao cho nhà trường hoàn toàn chịu trách nhiệm về chất lượng giao dục của đơn vị mình. Chúng ta phải xác định, học toàn diện là trách nhiệm của nhà trường, còn thi cử không thể phản ánh được học sinh có học toàn diện hay không.

Sở dĩ tôi rất tán thành việc cho học sinh chọn hai môn thi là do các em được chọn cái gì mình thích. Đã đến lúc chúng ta phải đổi lại cách học. Chẳng hạn như học Sử chúng ta phải tạo cho học sinh cách học thông minh chứ không phải yêu cầu các em phải học mốc các sự kiện thuộc lòng. Các em không có trái tim, không có sự lãng mạn, say mê khoa học môn Sử thì đây là trách nhiệm của những người dạy môn Sử.

Song điều này có thể dẫn đến việc “phân hạng” giáo viên bởi môn thi sẽ được coi trọng, còn môn không thi thì học sinh bỏ bê?

Từ xưa đến nay trong giáo dục của chúng ta đã có quan niệm môn chính và môn phụ. Trong quá trình đổi mới nếu chúng ta cứ ngại ngần lo sợ đưa ra chính sách này lợi cho người này rồi lại động chạm đến người khác thì không thể thực hiện được. Như tôi đã nói ở trên, việc có học toàn diện hay không là do các nhà trường và tôi mong rằng trong tương lại Bộ GD-ĐT giao các cái này cho nhà trường.

Một chủ trương của Bộ GD-ĐT đưa ra đó là miễn thi tốt nghiệp ở mỗi tỉnh thành khoảng 20%, nhiều người lo ngại phát sinh tiêu cực trong quá trình xét duyệt. PGS suy nghĩ gì về chủ trương này?

Trước hết phải nói sự lo lắng này là hoàn toàn có cơ sở. Song chúng ta cũng phải nhìn nhận tỷ lệ đỗ tốt nghiệp hiện nay đều trên 90% thì việc tăng diện miễn thi là cần thiết bởi những em học tốt thì dự thi tất nhiên là đỗ. Điều đáng nói ở đây là Bộ GD-ĐT quá rón rén khi chỉ xác định miễn thi khoảng 20%, còn số này quá thấp nên dẫn đến việc xét duyệt đôi khi phức tạp và tiêu cực nhưng cũng chẳng tiết kiệm chi phí cho xã hội là bao. Tôi muốn đưa ra một quan điểm ngược lại một chút, cả nước có tỷ lệ đỗ tốt nghiệp đều trên 90% thì tại sao chỉ miễn thi khoảng 20%?

Nếu quyết đoán chúng ta mở rộng diện miễn thi tốt nghiệp THPT của từng địa phương lên đến 60-70%. Đối với những trường có chất lượng tốt hay trường chuyên có thể miễn thi lên 90%, chúng ta không nên miễn cho một trường nào đó 100%. Bài toàn ở đây sẽ là các trường có trách nhiệm sàng lọc để chọn những em phải đi thi tốt nghiệp. Cách làm này sẽ thúc đẩy học sinh trong nhà trường phải thi đua học tập và giáo viên sẽ có “uy” hơn khi lên lớp. Chúng ta không khống chế tỷ lệ học sinh phải đi thi mà giao hoàn toàn cho các trường quyết định. Nếu trường đánh giá chất lượng tốt thì tỷ lệ này thấp, còn nếu trường chưa tốt thì tỷ lệ này sẽ cao.

Việc ở địa phương trường nào tốt hay chưa tốt thì Giám đốc Sở GD-ĐT chắc chắn nắm bắt được. Một trường nào đó chưa tốt nhưng lại đăng ký tỷ lệ đi thi tốt nghiệp thấp thì chúng ta có thể thanh tra, kiểm tra. Nếu phát hiện sai phạm sẽ xử lý nghiêm. Với cách làm này thì số Hội đồng thi của mỗi địa phương sẽ giảm đi rất nhiều và chắc chắn sẽ tiết kiệm hơn nhiều so với các cách Bộ GD-ĐT đưa ra chiều thuận đó là chọn ra những em được miễn thi.

Xin cảm ơn PGS!

Nguyễn Hùng (thực hiện)