Dạy môn tự nhiên bằng tiếng Anh: Chưa thấy hướng ra |
Monday, 28 March 2011 10:54 | |
There are no translations available. Thầy cô hào hứng dạy các môn tự nhiên bằng tiếng Anh nhưng đề nghị phải có chính sách tương xứng để triển khai chương trình này. Ngày 26/3, tại Trường ĐH Khoa học tự nhiên (KHTN - ĐH Quốc gia Hà Nội), các nhà quản lý giáo dục, thầy cô giáo và các học sinh đã cùng chia sẻ những kinh nghiệm, sáng kiến trong việc dạy học các môn KHTN bằng tiếng Anh trong các trường trung học phổ thông (THPT) chuyên.
Mê vì… nhiều thách thức PGS-TS Nguyễn Vũ Lương, hiệu trưởng Trường THPT Chuyên KHTN (ĐH Quốc gia Hà Nội), chia sẻ dạy các môn KHTN bằng tiếng Việt là niềm say mê của mình vì tiếng Việt có hệ thống ngữ pháp đầy đủ và giản dị. “Thế thì dạy các môn KHTN bằng tiếng Anh chắc hẳn làm mê đắm lòng người không chỉ bởi kiến thức mà còn bởi những khó khăn thách thức chồng chất ở phía trước” - thầy Lương nói. Với quan điểm tiếng Anh là con đường ngắn nhất đến tri thức nhân loại, thầy Lương đã triển khai nhiều hoạt động thí điểm hữu hiệu. Tại Trường THPT Chuyên KHTN, các em học sinh học một buổi là chương trình bình thường, một buổi các em được học tiếng Anh và các môn toán, vật lý, hóa học, sinh học bằng tiếng Anh. “Buổi học bình thường sẽ giúp học sinh hiểu rõ kiến thức nên khi học bằng tiếng Anh sẽ dễ hiểu và hiệu quả hơn. Buổi học bằng tiếng Anh sẽ giúp củng cố kiến thức cho buổi học bình thường và giúp học sinh khả năng tự học, tham khảo các tài liệu bằng tiếng Anh” - thầy Lương cho biết. Đến từ Trường THPT Chuyên Lê Hồng Phong (TP.HCM), thầy hiệu phó Trần Đức Huyên chia sẻ cách dạy thí điểm khác. Thầy Huyên cho biết trong trường có 10 giáo viên đã được bồi dưỡng để dạy các môn toán, lý, hóa, sinh bằng tiếng Anh. Có sáu lớp (180 học sinh) được dạy tăng cường tiếng Anh, số tiết học mỗi môn (toán, lý, hóa) là hai tiết/tuần. Các thầy cô Trường Lê Hồng Phong tự xây dựng chương trình nhưng việc kiểm định chất lượng dạy và học lại do chương trình ICAS (một chương trình kiểm định mang tính quốc tế của ĐH New South Wales, Úc) tiến hành. Chế độ cho người thầy: Chưa cụ thể Theo thầy Huyên, hiện tại Trường THPT Chuyên Lê Hồng Phong đang sử dụng một số cơ chế đặc thù để khuyến khích giáo viên tham gia giảng dạy các môn KHTN bằng tiếng Anh. Cụ thể, giáo viên tham gia chương trình thí điểm này sẽ được ưu tiên học các khóa đào tạo ở nước ngoài, tham gia các hội thảo về phương pháp giảng dạy trong nước và quốc tế, bố trí giờ giảng và kinh phí hợp lý để giáo viên có điều kiện tham gia đề án biên soạn chương trình, giáo trình… Cô Quách Phạm Thùy Trang, giáo viên môn hóa học (Trường THPT Chuyên ĐH Sư phạm - ĐH Sư phạm Hà Nội), cho rằng việc xây dựng bài giảng và chuẩn bị các tiết dạy bằng tiếng Anh tốn rất nhiều công sức, vì vậy cần có kinh phí xứng đáng. Theo cô Trang, Nhà nước cần hỗ trợ kinh phí cho hoạt động giảng dạy này. Đồng thời, giáo viên dạy theo mô hình này cần được hỗ trợ kinh phí để tham gia các lớp bồi dưỡng nâng cao trình độ tiếng Anh, có cơ hội tham quan, học hỏi tại các nước có nền giáo dục tiên tiến có giảng dạy các môn KHTN bằng tiếng Anh. TS Vi Văn Đính, Chuyên viên Vụ Giáo dục trung học (Bộ GD-ĐT), cũng chỉ ra một bài học kinh nghiệm từ chương trình thí điểm đào tạo song ngữ Việt-Pháp tiến hành từ năm 1994. TS Đính cho biết nguồn giáo viên có khả năng giảng dạy song ngữ của chương trình đã hao hụt đáng kể vì nhiều thầy cô chuyển sang giảng dạy tại các trường ĐH, chuyển sang làm công việc khác vì cơ chế đãi ngộ chưa thỏa đáng.
|