10 vấn đề giáo dục nổi bật 2010 |
Thứ tư, 29 Tháng 12 2010 20:58 |
(Dân trí) - Năm 2010 là một năm đáng nhớ của ngành giáo dục với nhiều sự kiện trọng đại gây tiếng vang lớn trên thế giới; nhiều chương trình, đề án được Chính phủ phê duyệt nhằm tập trung nâng cao chất lượng giáo dục theo hướng quốc tế hóa... Dân trí xin điểm lại 10 vấn đề giáo dục nổi bật trong năm 2010. 1. Chương trình trọng điểm quốc gia phát triển Toán học giai đoạn 2010-2020 Chương trình trọng điểm quốc gia phát triển Toán học giai đoạn 2010-2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt với tổng kinh phí đầu tư 651 tỷ đồng nhằm đưa Việt Nam lên hàng thứ 40 thế giới về Toán học. Chương trình đề ra mục tiêu cụ thể đến năm 2020 có đủ đội ngũ giảng viên Toán có trình độ ở các trường đại học, cao đẳng, trong đó trên 70% giảng viên ở các trường đại học lớn có bằng tiến sĩ. Bên cạnh đó, xây dựng Viện Toán học và 1-2 khoa Toán ở các trường đại học lớn trở thành trung tâm nghiên cứu và đào tạo Toán của khu vực. Trong 7 nội dung và giải pháp thực hiện chương trình trọng điểm được đưa ra, trong đó, giải pháp đầu tiên là xây dựng "Viện Nghiên cứu cấp cao về Toán". Đây sẽ là một cơ sở hỗ trợ cho các hoạt động nghiên cứu và đào tạo đỉnh cao về Toán học cho các giảng viên đại học, các nhà toán học, các tân tiến sĩ, các nghiên cứu sinh đến thực hiện các ý tưởng, các đề tài nghiên cứu toán học xuất sắc, có ý nghĩa khoa học và ứng dụng cao. Bên cạnh đó, hoàn thiện lại hệ thống các lớp chuyên Toán theo chủ trương mới của Bộ GD-ĐT, thi học sinh giỏi, cấp học bổng, ưu tiên tuyển chọn vào đại học, đào tạo giáo viên. Khuyến khích giảng viên Toán ở các trường đại học đẩy mạnh công tác nghiên cứu. Đội tuyển thi Olympic Toán quốc tế IMO 2010. 2. Đại hội đại biểu Khuyến học toàn quốc lần thứ IV Ngày 29/9, tại Hà Nội, Hội Khuyến học Việt Nam long trọng tổ chức Đại hội đại biểu Khuyến học toàn quốc lần thứ IV nhiệm kỳ 2010 - 2015. Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam Nguyễn Mạnh Cầm cho biết, 14 năm xây dựng và phát triển, 14 năm phấn đấu không mệt mỏi với tâm huyết và ý thức trách nhiệm cao, Hội đã thực sự trở thành một tổ chức xã hội đặc thù, một tổ chức quần chúng sâu rộng có mặt tại 100% tỉnh, thành, huyện, thị, xã, phường và nhanh chóng lan tỏa xuống tận thôn, làng, bản, tổ dân phố, cơ quan, doanh nghiệp, trường học, đơn vị lực lượng vũ trang... với hơn 200.000 chi hội và hàng nghìn cụm dân cư khuyến học. Tổng số hội viên hiện lên tới hơn 7,5 triệu người; 3,5 triệu gia đình được công nhận là “gia đình hiếu học, khoảng 4 vạn dòng họ được công nhận là “dòng họ hiếu học” và hàng vạn cụm dân cư khuyến học được xây dựng. Đặc biệt, Hội đã phối hợp với ngành giáo dục xây dựng được hơn 9.600 Trung tâm Học tập cộng đồng, chiếm hơn 90% tổng số xã, phường trong cả nước - một thiết chế giáo dục cộng đồng, cơ sở học tập thường xuyên ngoài xã hội cho người lớn. Đặc biệt trong năm 2010, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Hội Khuyến học Việt Nam trở thành Hội đặc thù, có biên chế hoạt động riêng. Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân trao Huân chương Lao động hạng nhất cho Hội Khuyến học Việt Nam tại Đại hội đại biểu Khuyến học toàn quốc lần thứ IV. 3. Lần đầu tiên Việt Nam đoạt giải thưởng toán học Fields Ngày 19/8/2010, tại lễ khai mạc Đại hội Toán học thế giới tổ chức ở Hyderabad, Ấn Độ, huy chương Fields - giải thưởng cao quý nhất trong lĩnh vực toán học - đã được trao cho GS Ngô Bảo Châu. Trong lịch sử hơn 70 năm của giải thưởng Fields, đây là lần đầu tiên một người có quốc tịch Việt Nam đoạt giải thưởng này. GS Ngô Bảo Châu đã dành toàn bộ phần thưởng bằng tiền của giải thưởng Fields cho Quỹ Khuyến học “Vì tinh thần hiếu học” - Quỹ được xây dựng theo sáng kiến của GS Ngô Bảo Châu. Bà Pratibha Patil - Tổng thống Ấn Độ trao huy chương Fields - giải thưởng toán học cao quý nhất thế giới cho GS Ngô Bảo Châu. GS Lê Tuấn Hoa, Phó Viện trưởng Viện Toán học Việt Nam, khẳng định: “Giải thưởng Fields mà GS Ngô Bảo Châu đạt được không chỉ có ý nghĩa ở Việt Nam mà còn có ý nghĩa lớn trong khu vực và thế giới. Việt Nam là một đất nước nghèo, không có truyền thống về khoa học, về Toán lại được giải thưởng Fields. Nó đã chứng minh, nếu có cách làm đúng thì những người từ vùng lạc hậu như đất nước chúng ta cũng có thể đạt được đỉnh cao trong khoa học. Đó là ý nghĩa sâu sắc đối với quốc tế”. 4. Năm 2011, bắt đầu thực hiện thí điểm dạy học môn Toán, Tin bằng tiếng Anh Theo kế hoạch triển khai đề án dạy học ngoại ngữ ở bậc trung học do Bộ GD-ĐT công bố tháng 12/2010, sẽ bắt đầu thực hiện thí điểm dạy học bằng tiếng Anh trong năm học 2011- 2012 để đến năm 2020 mở rộng quy mô các trường thực hiện dạy học ngoại ngữ theo chương trình của Bộ GD-ĐT. Chương trình này sẽ liên thông giữa các bậc học, tiến tới triển khai dạy bằng tiếng Anh với một số môn khoa học ở các trường THPT chuyên (Toán, Vật lý, Tin học...). Việc từ năm 2011, học sinh trường chuyên học môn Toán, Tin bằng tiếng Anh đã thu hút nhiều ý kiến của các giáo viên, học sinh và người dân. Nhiều ý kiến chung quan điểm rằng việc dạy và học ngoại ngữ trong trường học, trong đó có cả các trường chuyên hiện còn yếu. Đồng thời, chính các giáo viên Toán, Tin cũng khó đáp ứng được yêu cầu dạy bộ môn này bằng tiếng Anh. Vì vậy, đa số ý kiến cho rằng khó có thể triển khai việc dạy và học toán, tin bằng tiếng Anh trong năm học 2011 - 2012. 5. Thủ tướng phê duyệt Đề án Phổ cập giáo dục mầm non 5 tuổi Năm 2010, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi giai đoạn 2010-2015. Mục tiêu chung của Đề án là bảo đảm hầu hết trẻ em 5 tuổi ở mọi vùng miền được đến lớp để thực hiện chăm sóc, giáo dục 2 buổi/ngày, đủ 1 năm học, nhằm chuẩn bị tốt về thể chất, trí tuệ, tình cảm, thẩm mỹ, tiếng Việt và tâm sinh lý sẵn sàng đi học, bảo đảm chất lượng trẻ em vào lớp 1. Cụ thể, sẽ củng cố, mở rộng mạng lưới trường, lớp bảo đảm đến năm 2015 có 95% số trẻ em trong độ tuổi 5 tuổi được học 2 buổi/ngày. Nâng cao chất lượng chăm sóc, giáo dục đối với các lớp mầm non 5 tuổi, giảm tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng, phấn đấu đến năm 2015 có 100% trẻ tại các cơ sở giáo dục mầm non được học Chương trình giáo dục mầm non mới, chuẩn bị tốt tâm thế cho trẻ vào học lớp 1. Ưu tiên đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, đồ dùng, đồ chơi cho các lớp mầm non 5 tuổi ở miền núi, vùng sâu, vùng xa. Xây dựng trường mầm non đạt chuẩn quốc gia tại các huyện nghèo làm mô hình mẫu và là nơi tập huấn, trao đổi kinh nghiệm về chuyên môn nghiệp vụ giáo dục. Đưa số tỉnh đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi từ 55% năm 2010 lên 85% năm 2012 và 100% vào năm 2015… Các cháu Trường mầm non 1/6 (quận Liên Chiểu, Đà Nẵng) nhận quà tặng của bạn đọc báo Dân trí. 6. Đà Nẵng nói “không” với sinh viên tại chức Tại kỳ họp thứ 17 hội đồng nhân dân thành phố Đà Nẵng khóa VII diễn ra từ ngày 1-3/12/2010, Sở Nội vụ TP Đà Nẵng có tờ trình về kế hoạch biên chế hành chính sự nghiệp. Theo đó, từ năm 2011, TP Đà Nẵng sẽ không tuyển dụng sinh viên tốt nghiệp đại học hệ tại chức vào làm việc trong cơ quan nhà nước của TP. Công bố này của Đà Nẵng thu hút sự quan tâm của nhiều tầng lớp nhân dân cũng như tạo nhiều diễn đàn tranh luận của các chuyên gia giáo dục. Các ý kiến xung quanh quyết định này của Đà Nẵng có thể chia làm 2 nhóm chính: nhóm một ủng hộ và hoan nghênh quyết định dũng cảm của Đà Nẵng; nhóm thứ hai cho rằng đây là sự kỳ thị với các sinh viên tốt nghiệp đại học hệ tại chức, điều quan trọng là năng lực của người học chứ không phải ở tấm bằng. Nhìn chung các ý kiến đều thống nhất rằng cần có kỳ thi sát hạch năng lực nghiêm túc để chọn ra những người có năng lực khi tuyển dụng nhân sự. 7. Đề án 2.300 tỷ đồng phát triển trường chuyên Đề án Phát triển hệ thống trường THPT chuyên giai đoạn 2010 - 2020 với tổng số kinh phí hơn 2.300 tỷ đồng vừa được Bộ GD-ĐT khởi động thực hiện. Tuy nhiên, nhiều nhà giáo bày tỏ băn khoăn về đề án này, cho rằng đây là sự đầu tư chưa công bằng: số lượng trường chuyên chiếm con số rất ít trong hệ thống các trường THPT, trong khi đó nhiều trường ở vùng sâu, vùng xa hiện nay rất khó khăn. 8. Nan giải việc di dời các trường ĐH, CĐ ra ngoại thành Trong cuộc họp bàn về xây hệ thống trường ĐH, CĐ vào đầu tháng 12/2010, đa số hiệu trưởng các trường tán đồng việc cần thiết di dời các trường ra ngoại thành để nâng cao chất lượng đào tạo và giảm tải cho giao thông thành phố. Tuy vậy, để thực hiện việc này thì còn nhiều vướng mắc, trong đó có những khó khăn về kinh phí, thủ tục xây dựng... Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga cho biết việc di dời các trường ra ngoại thành là không thể không làm vì quyết định di dời các trường ra ngoại thành không phải vì quá tải cơ sở hạ tầng ở thành phố mà là sự sống còn của ngành giáo dục. Lý do là một trong các tiêu chí nâng chất lượng đào tạo là diện tích/sinh viên, trong khi đó nhiều trường có diện tích khiêm tốn. ĐH Bách khoa Hà Nội cũng thuộc diện di dời ra ngoại thành. 9. Vấn nạn học sinh quay/ghi âm về thầy cô và tung lên mạng Internet Trong năm 2010 trên mạng Internet xuất hiện nhiều clip audio và video không hay về thầy cô do học sinh ghi âm và quay. Nổi bật như vụ ngày 25/9/2010, nhóm học sinh lớp 11 chuyên Lý, Trường THPT chuyên Trần Phú (TP Hải Phòng) đã thu âm lén những lời lẽ xỉ vả của cô giáo dạy tiếng Anh với một học sinh trong lớp rồi phát tán lên mạng. Đầu tháng 12/2010, học sinh cũng quay clip một giáo viên thỉnh giảng bộ môn tin họccủa Trường THPT Hàng Hải, Hải Phòng chửi mắng học trò và tung lên mạng. Sau khi các clip này xuất hiện, các giáo viên có hành vi không đẹp với học trò đã bị nhà trường kỷ luật. Tuy vậy, dư luận đặt ra câu hỏi liệu học sinh có được phép/nên hay không quay clip về thầy cô trong giờ học. Sau khi các vụ việc trên xảy ra, nhiều ý kiến cho rằng để hạn chế những vụ việc đáng tiếc tương tự, các trường cần nghiêm khắc thực hiện điều lệ trường phổ thông, trong đó có việc không cho phép học sinh sử dụng điện thoại, máy ghi âm, ghi hình trong giờ học và trong các hoạt động giáo dục tại trường. 10. Khánh thành trường chuyên hiện đại nhất Việt Nam chào mừng kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội Sáng 4/9/2010, Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam tổ chức lễ khai giảng tại ngôi trường hiện đại nhất Hà Nội và cũng là trường chuyên hiện đại nhất của cả nước ngang tầm khu vực và quốc tế với diện tích gần 5 ha, tọa lạc tại khu đô thị Đông Nam đường Trần Duy Hưng, quận Cầu Giấy, Hà Nội. Được khởi công từ tháng 1/2009, Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam có tổng mức đầu tư 429 tỉ đồng. Cơ sở vật chất của nhà trường ấn tượng với những nhà thi đấu quy mô lớn, bể bơi nước nóng sử dụng vào mùa đông, khán phòng lớn 700 chỗ, khu vực căng tin rộng rãi, hệ thống bãi đỗ xe và các sân thể thao tiêu chuẩn… Đây là ngôi trường Hà Nội chào mừng kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. Học sinh Trường THPT Hà Nội - Amsterdam trong lễ khai giảng tại ngôi trường mới. Nhóm PV Theo Dantri |