There are no translations available.
Trong những năm trở lại đây, ngày hè là cơ hội để các bậc cha mẹ “đầu tư” cho con đi học thêm kiến thức lẫn kỹ năng sống. Liệu rằng những khóa học cấp tốc này có thể giúp trẻ tự tin, trưởng thành hơn như kỳ vọng của phụ huynh?Để giải đáp vấn đề này, phóng viên Báo Thế giới & Việt Nam đã trao đổi với Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Minh, Giảng viên Đại học Sư phạm Hà Nội, Chủ nhiệm CLB “Sách ơi mở ra”...
|
Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Minh. (Ảnh: NVCC) |
Không ít ý kiến cho rằng trải nghiệm sáng tạo tức là đưa học sinh ra ngoài phạm vi trường học như du lịch, tham quan và có nhiều khóa học kỹ năng hơn. Quan điểm cá nhân của Tiến sĩ về vấn đề này?
Hoạt động trải nghiệm sáng tạo là hoạt động giáo dục được tổ chức theo cách tạo điều kiện cho người học tham gia trực tiếp vào các hoạt động xã hội. Từ đó, giúp người học trở thành chủ thể tích cực, sáng tạo của hoạt động học tập đó.
Như vậy, trải nghiệm sáng tạo không có nghĩa là phải đi ra ngoài mà gia đình, nhà trường là một môi trường lý tưởng cho hoạt động trải nghiệm sáng tạo. Bởi gia đình hay nhà trường cũng là một cộng đồng xã hội thu nhỏ. Đó là nơi có thể nảy sinh vô vàn các mối quan hệ, các tình huống giao tiếp, các vấn đề phát sinh để các em có cơ hội được trải nghiệm và rèn luyện kỹ năng giải quyết vấn đề. Ngược lại, có những hoạt động dã ngoại không hề đánh thức được năng lực sáng tạo của người học vì được tổ chức một cách đơn điệu, cứng nhắc, áp đặt, khuôn mẫu.
Ở nước ngoài, thường các lớp học ngày hè được mở ra chủ yếu để hỗ trợ những em đặc biệt khó khăn về trí tuệ hay những em bị bệnh mà không theo học đầy đủ trong năm. Vì vậy, các lớp học thường thành các nhóm, các lớp nhỏ, phù hợp với nhu cầu chuyên biệt của từng em, từng nhóm. Cũng có những trại hè cho trẻ chậm phát triển được tổ chức để giúp các em có thêm hiểu biết, tăng khả năng hội nhập.
Vậy cha mẹ nên can thiệp đến đâu, khoảng vừa đủ trong sự phát triển tự nhiên của con?
Thực ra, những năm gần đây nhiều người cực đoan hóa vai trò của kỹ năng sống, thành ra nhiều khi nó trở thành một cái mốt. Đành rằng kỹ năng sống là rất quan trọng, song không nhất thiết phải tham gia vào các khóa học kỹ năng sống mới có kỹ năng sống.
Kỹ năng sống được hình thành chủ yếu thông qua hoạt động sống hàng ngày. Nếu hiểu biết một cách sâu sắc về nó, kỹ năng sống hoàn toàn có thể có được thông qua rèn luyện bằng các môn học trong nhà trường. Ví dụ, từ môn khoa học, trên cơ sở sự hiểu biết về cơ thể, giáo viên có thể dạy các con cách giữ gìn vệ sinh, chăm sóc sức khỏe, ngăn ngừa bệnh tật. Trên cơ sở hiểu biết về thế giới động thực vật, có thể dạy các con các kỹ năng an toàn khi đi trong rừng, xuống biển, lên núi, nhận biết phương hướng khi đi lạc…
Bằng môn Ngữ văn, chúng ta có thể dạy các con kỹ năng giao tiếp, khả năng nhận biết cảm xúc của bản thân và người khác để có ứng xử hài hòa… Kỹ năng sống cũng có thể được hình thành trong nhà, bằng cách con làm việc nhà, con biết chào hỏi lễ phép khi có khách đến chơi, biết xin phép mẹ khi ra khỏi nhà, biết chăm sóc và quan tâm đến những người trong gia đình.
Không nên tách rời kỹ năng và kiến thức. Nếu không có kiến thức, không đủ hiểu biết về thế giới xung quanh, con sẽ không có kỹ năng sống. Nếu không có kiến thức về phong tục tập quán của dân tộc mình và dân tộc khác, con sẽ không có kỹ năng giao tiếp phù hợp. Nếu không hiểu về cơ chế vận hành của điện, con không có kỹ năng an toàn khi tiếp xúc với điện. Nếu không hiểu cách hoạt động của dòng nước ngược ở biển, con sẽ không biết cách vượt qua nguy hiểm nếu chẳng may gặp phải dòng nước ngược...
Vì thế, theo tôi, đừng cực đoan hóa kỹ năng sống đến mức phủ nhận tầm quan trọng của kiến thức. Sự hiểu biết, dù thế nào cũng thực sự rất quan trọng. Trong quá trình sống của con người, kiến thức và kỹ năng luôn phát triển song song, bổ trợ lẫn nhau.
|