Chàng trai 'vàng' Olympic Hóa được ví như 'cỗ xe tăng' |
Thứ ba, 19 Tháng 7 2022 18:39 |
Phạm Nguyễn Minh Tuấn, nhỏ tuổi nhất trong bốn thí sinh Việt Nam giành huy chương vàng Olympic Hóa học quốc tế năm nay, được ví như 'cỗ xe tăng' vì sự chắc chắn. Chiều 18/7, trong buổi công bố kết quả kỳ thi Olympic Hóa học quốc tế trực tuyến tại Đại học Sư phạm Hà Nội, bốn chàng trai của đoàn Việt Nam khoác vai nhau cầu nguyện. Giải được công bố theo thứ tự từ thấp đến cao. Bài thi của học sinh được cả thầy cô ở Việt Nam và ban tổ chức chấm, do đó, khi thi xong, đoàn đã nắm được điểm. Phạm Nguyễn Minh Tuấn, lớp 11 chuyên Hóa, THPT chuyên Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội, tranh thủ soi gương chỉnh lại mái tóc bị ướt mưa rồi thì thầm vào tai đồng đội. Khi Việt Nam không có tên trong nhóm giành huy chương đồng và bạc, cả bốn học sinh lao vào nhau hét lên sung sướng. Thấy tên Việt Nam và ảnh mình xuất hiện cùng với huy chương vàng sau đó, Tuấn chạy đến ôm lấy mẹ thật lâu trước khi chia sẻ niềm vui với mọi người. "Em không tin nổi. Em ít tuổi nhất đội, so bài với các anh thấy có nhiều câu sai hơn nên hơi lo chỉ giành huy chương bạc. Lúc biết được vàng, em vỡ òa trong hạnh phúc", Tuấn cười rạng rỡ. Chứng kiến giây phút đặc biệt của con trai, chị Nguyễn Thanh Hương, mẹ Tuấn, không khỏi xúc động. "Tôi thót tim, chỉ cầu không thấy ảnh con mình ở phần công bố huy chương đồng và bạc. Cháu mới lớp 11, chặng đường đến với cuộc thi rất ngắn nhưng con đã khẳng định được mình, nỗ lực ôn thi với các anh. Con đã làm được như lời thầy dặn hôm xuất quân là 'mang vàng về cho tổ quốc'", chị Hương nói giọng nghẹn ngào. Từ lúc biết kết quả, chị bận rộn nghe điện thoại và trả lời tin nhắn chúc mừng của người thân, bạn bè. Theo Tuấn, mọi năm sẽ có một ngày thi thực hành và một ngày thi lý thuyết với điểm số tính theo tỷ lệ 40% thực hành và 60% lý thuyết. "May mắn năm nay không có thực hành. Dịch bệnh phải học online nên em không được học nhiều phần này", Tuấn cho hay. Hôm thi vào 13/7, bốn thí sinh ngồi bốn góc có ghi âm và camera xung quanh. Đề gồm 9 câu lý thuyết, tính theo thang điểm 100 và làm trong 5 tiếng. Trước kỳ thi, ban tổ chức đã có đề chuẩn bị hơn hai chục câu hỏi, giới hạn nội dung. Câu hỏi lý thuyết hướng đến các vấn đề thời sự như Covid-19, biến đổi khí hậu, sử dụng hạt nano, khí gây ra hiệu ứng nhà kính... Đọc phần hướng dẫn trước khi chính thức làm bài, Tuấn đoán đề sẽ liên quan đến Hóa Sinh vì có nhắc đến nucleotit nên có phần lo lắng. Nhưng lúc đọc câu hỏi, Tuấn bình tĩnh lại vì "dễ hơn tưởng tượng". "Đề khá hay, yêu cầu thí sinh dùng những lý thuyết đã được học để giải quyết vấn đề mới", Tuấn nhận xét. Nam sinh thấy khó nhất ở những câu liên quan đến Hóa Lý và tinh thể. Cậu áp dụng chiến thuật làm theo thứ tự nhưng câu nào khó, dành 10-15 phút vẫn chưa làm được sẽ bỏ qua. Trong bài thi, Tuấn cũng đi qua một phần của câu giữa trong đề. Theo em, đề thiết kế hay ở chỗ thí sinh không làm được câu trên vẫn có thể dùng số liệu đề bài cho để làm câu dưới. Trong trường hợp câu trên ra kết quả sai và được sử dụng cho câu dưới, nếu ý tưởng đúng, thí sinh vẫn được cho điểm. Hoàn thành bài thi xong trước một tiếng, Tuấn kiểm tra lại và phát hiện ba câu đầu tính sai nhiều chỗ. Mất thời gian chữa lại khiến em không kịp xem những bài sau. "Làm xong em thấy khá ổn", Tuấn kể. Minh Tuấn (giữa) cùng mẹ và em trai nhận hoa chúc mừng trong lễ công bố kết quả cuộc thi Olympic Hóa học quốc tế chiều 18/7. Ảnh: Bình Minh GS.TS Nguyễn Ngọc Hà, trưởng đoàn đội tuyển thi Olympic Hoá học quốc tế 2022, đánh giá cao Tuấn ở sự thông minh và chắc chắn. Theo trưởng khoa Hóa, Đại học Sư phạm Hà Nội, Tuấn mới học lớp 11 nên kiến thức chưa thể so với các anh lớp 12 nhưng kết quả đạt được đã chứng minh khả năng của em. "Tuấn giống như 'cỗ xe tăng', làm bài chắc, đặc biệt tâm lý thi đấu tốt", thầy Hà nhận xét. Thầy giáo có 10 năm dẫn đội đi thi và từng đồng hành cùng nhiều lứa học sinh xuất sắc. Thầy thích nhất sự đoàn kết, trong trẻo, lúc nào cũng cười ở bốn chàng trai năm nay. Sự vô tư ấy đã giúp các em giảm áp lực rất nhiều cho kỳ thi. Tuấn thừa nhận, quá trình ôn thi khó khăn khi phải học cùng các anh lớp 12. "Em nhiều lần phải nói với bản thân rằng đã vào đến đội thì không có việc gì không cố gắng được. Hãy quyết tâm hết sức và hài lòng với bản thân". Tuấn nhận được động viên từ thầy cô, sự cổ vũ tinh thần của các anh trong đội. Bố mẹ thường xuyên gọi điện hỏi thăm khiến Tuấn cảm thấy được tiếp thêm sức mạnh. Minh Tuấn (hàng đầu, thứ hai từ phải sang) cùng các bạn trong đội tuyển nhận hoa chúc mừng từ thầy cô. Ảnh: Bình Minh Nam sinh cho hay say mê môn Hóa từ năm lớp 8 vì môn học này nghiên cứu những vấn đề liên quan đến biến đổi chất. Tuấn thích những gì có sự biến đổi và hướng vào bản chất cốt lõi của vấn đề. "Hóa học nghiên cứu vấn đề vi mô. Những thứ không thể nhìn thấy được thì em lại nhìn với nhiều góc độ khác nhau để tìm hiểu quy luật", cựu học sinh trường THCS Cầu Giấy giải thích. Bí quyết học của Tuấn là đọc kỹ lý thuyết trong sách giáo khoa. Ban đầu em làm nhiều bài nhưng sau nhận ra hiểu kỹ bản chất vấn đề và luôn đặt câu hỏi "tại sao" quan trọng hơn. Tuấn cho rằng cần làm quen với các dạng và làm bài tiêu biểu trong dạng đấy, thay vì tập trung số lượng bài làm. "Học quá nhiều bài cũng có bất lợi vì mình không có thời gian để tìm hiểu sâu", Tuấn nói, cho biết có thế mạnh ở Hóa hữu cơ. Ngoài những bài tập trên lớp và đi học thêm, Tuấn chủ động tìm kiếm các nguồn tài liệu trên mạng để mở rộng hiểu biết. Tuấn từng được vinh danh hàng năm ở trường cấp hai và đạt giải nhì học sinh giỏi Hóa thành phố năm lớp 9. Em cũng giành điểm cao vào trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam và THPT chuyên Khoa học Tự nhiên. Nam sinh chọn chuyên Hóa của Khoa học Tự nhiên vì muốn học chuyên sâu về lĩnh vực này. "Em vẫn còn một năm nữa để quyết định xem mình thích gì. Em tin cố gắng hết sức và thực sự đam mê thì mọi việc đều có thể", Tuấn nói. Bình Minh (vnexpress) |