"Cô gái vàng Sinh học Việt Nam” nhận học bổng 7 tỷ đồng của Viện công nghệ danh giá thế giới |
Thứ bảy, 04 Tháng 5 2019 07:53 |
Dân trí Nguyễn Phương Thảo, nữ sinh Việt chiến thắng Huy chương Vàng kỳ thi Olympic Sinh học quốc tế năm 2018 với số điểm chung cuộc cao nhất mới đây đã tiếp tục chinh phục thành công Viện công nghệ số 1 thế giới - Massachusetts Institute of Technology (MIT), Hoa Kỳ. Em giành học bổng trị giá khoảng 7 tỷ đồng cho 4 năm học tại đây.Nguyễn Phương Thảo (sinh năm 2000) đam mê môn Sinh học từ nhỏ. Lớp 9, Thảo giành giải Nhất Học sinh Giỏi môn Sinh học thành phố Hà Nội. Thi vào lớp 10, em xuất sắc trở thành thủ khoa đầu vào của lớp chuyên Sinh - trường THPT chuyên Khoa học tự nhiên, ĐH Quốc gia Hà Nội. Năm 2018, Phương Thảo xuất sắc giành Huy chương Vàng Olympic Sinh học quốc tế với tổng điểm cao nhất cuộc thi trên tổng số 261 thí sinh và được tôn vinh - người chiến thắng chung cuộc. Năm 2017, Thảo cũng từng đoạt Huy chương Bạc Olympic Sinh học quốc tế và cũng là nữ sinh duy nhất của Việt Nam đạt được huy chương Olympic quốc tế năm này. Với những thành tích ấn tượng, năm 2018, Phương Thảo được tặng thưởng Huân chương Lao động Hạng Ba khi mới 18 tuổi. Đam mê sinh học và bài luận “Hi vọng” Trao đổi với PV Dân trí, Phương Thảo cho hay, em vừa chính thức xác nhận sẽ theo học tại MIT sau khi biết kết quả của tất cả các trường mình nộp hồ sơ. Trước đó không lâu, Thảo nhận thông tin đỗ vào Viện công nghệ số 1 thế giới (tháng 3/2019). MIT – ngôi trường danh giá bậc nhất thế giới về khoa học công nghệ cấp học bổng trị giá gần 7 tỷ đồng cho cô gái Việt theo học 4 năm. Ngày nhận được thư báo, Phương Thảo vỡ òa trong niềm hạnh phúc vì rất nhiều tâm sức, cố gắng nhằm thực hiện mục tiêu đặt chân vào MIT đã thành sự thực. Để giành tấm vé vào Viện Công nghệ số 1 thế giới MIT là điều vô cùng khó, mỗi năm tỷ lệ chấp nhận ứng viên của trường chỉ khoảng 6-7%. Phương Thảo cho biết, em bắt đầu thực sự tập trung vào việc chuẩn bị du học Mỹ từ tháng 8/2018 - khi đã hoàn thành xong hết các kỳ thi quốc tế. Thường các bạn muốn đi du học Mỹ sẽ có thời gian chuẩn bị từ 1,5-2 năm và ít nhất cũng là 1 năm, còn với riêng Thảo, em chỉ có vỏn vẹn hơn 4 tháng. “Cô gái vàng Sinh học Việt Nam” Nguyễn Phương Thảo giành học bổng toàn phần của Viện công nghệ danh giá thế giới trong mùa tuyển sinh năm 2019.
Thời gian quá gấp, Thảo vừa học tiếng Anh, thi chuẩn hóa, vừa viết luận nên “deadline” (thời hạn hoàn thành) luôn dồn dập. Nữ sinh tâm sự, động lực khiến em vượt qua mọi thử thách chính là em gặp được những người rất ủng hộ và chia sẻ với mình là gia đình, thầy cô, bạn bè. Khó khăn lớn nhất mà Thảo cũng như nhiều bạn chuẩn bị du học gặp phải là viết luận. “Ở Mỹ, không đơn giản là việc bạn có thành tích học tập tốt hay GPA cao sẽ đỗ mà trường sẽ nhìn tổng thể con người của bạn, xem cá tính của bạn có phù hợp với trường hay không. Việc viết luận là một không gian rất hẹp nhưng mình phải thể hiện con người của mình đầy đủ, toàn cảnh. Do đó, khi viết luận em gặp nhiều khó khăn từ việc lên ý tưởng, xây dựng bố cục bài luận đến lúc có bài luận hoàn chỉnh, đó là quá trình dài”, Thảo nói. Theo Phương Thảo, lúc này quan trọng nhất là bạn dành thời gian nhìn lại bản thân xem mình có gì thú vị và nhớ lại những kỷ niệm ý nghĩa, có tác động đến bản thân. Hoặc nếu không nghĩ được gì nữa, tương tự như trường hợp của Thảo, em bắt đầu hỏi mọi người xung quanh rằng: “nếu dùng 3 tính từ để miêu tả về tôi bạn sẽ miêu tả là gì? tại sao lại như thế?” Góc nhìn của bạn bè, bố mẹ, người thân, thầy cô cũng là một góc nhìn mà nhiều khi chính bản thân ta không nhận ra. “Đó có thể là những chi tiết hay khiến chính bản thân mình phải "ồ à", em nghĩ đó cũng là một mẹo nhỏ khi bạn "bí quá" trong viết luận”, Thảo chia sẻ. Viết đến 8 bài luận trong mùa apply năm nay nhưng bài luận Phương Thảo tâm đắc nhất (cũng là một trong 5 bài luận em gửi MIT) đặt đề bài rằng: "Môi trường bạn sống đã tạo nên con người bạn như thế nào?". Phương Thảo chọn viết về việc hồi bé được mẹ dẫn đến bệnh viện và gặp nhiều bệnh nhân phải trải qua đau đớn vì bệnh tật (chẳng hạn bị hoại tử vì biến chứng của đái tháo đường... ). “Có một điều gì đấy thôi thúc em rằng mình phải hành động, làm điều gì đó để có thể góp phần giảm bớt nỗi đau của họ. Em đã viết trong bài luận rằng, tương lai của mình sẽ theo đuổi hi vọng và mang đến hi vọng cho mọi người”, Thảo tâm sự. "Tôi không phải một người chỉ biết học" MIT yêu cầu viết 5 bài luận với các câu hỏi khác nhau: Bạn làm gì để sống vui? Môi trường bạn sống tạo nên con người bạn như thế nào? Tại sao bạn lại muốn vào MIT? Bạn đã bao giờ gặp khó khăn hay chưa và bạn xử lý nó thế nào?... Ở mỗi bài luận, Phương Thảo thể hiện một góc của con người mình. Thảo lưu ý với các bạn chuẩn bị đi du học, không nên thể hiện con người mình một chiều. Ví dụ một bạn chuyên về học thuật cũng nên miêu tả một số góc cạnh khác như việc bản thân có tham gia các hoạt động xã hội, hoạt động ngoại khóa không. Như Thảo, em có nói mình thích chơi ghi-ta ngoài giờ học. Trúng tuyển vào Viện công nghệ danh giá thế giới, Thảo sẽ lên đường sang Mỹ nhập học vào tháng 8 tới đây. Cuối năm 2, Thảo mới phải chọn chuyên ngành. Thảo có dự định theo đuổi ngành Công nghệ sinh học. Nói về lý do ước mơ đặt chân đến MIT học tập, Thảo chia sẻ: “Em thích MIT không phải hoàn toàn vì danh tiếng, thứ hạng của trường mà vì trong lúc chọn trường nộp hồ sơ, em đã lên mạng tìm hiểu nhiều trường khác nhau. Em cảm thấy bản thân có sự kết nối lớn nhất với cộng đồng sinh viên ở MIT. Thứ hai, ở MIT có một giáo sư nghiên cứu về ung thư với một dự án cực kỳ thu hút, do đó em muốn vào MIT để nếu may mắn có thể gặp và nói chuyện với thầy”. Phương Thảo rạng rỡ trong ngày chiến thắng trở về“Cô gái vàng Sinh học” hé lộ, bí quyết giúp bộ hồ sơ ấn tượng và thuyết phục hội đồng tuyển sinh là thể hiện bản thân toàn diện trong bộ hồ sơ. “Quan trọng nhất là thể hiện cá tính của mình qua bộ hồ sơ chứ không phải "tôi là một người chỉ biết học". Đối với em, quan trọng trong bộ hồ sơ là bạn có thể thể hiện rất nhiều khía cạnh khác nhau trong con người bạn nhưng sự thống nhất trong toàn bộ hồ sơ phải đảm bảo. Nền tảng của em từ thời phổ thông với những gì mình muốn làm trong tương lai phải có sự liên quan, tương đồng. Em viết 5 bài luận khác nhau nhưng tất cả đều liên quan, gắn kết chứ không phải lệch quá xa và tập trung vào đam mê xuyên suốt của bản thân. Thêm nữa, không ít người người nghĩ tham gia càng nhiều hoạt động ngoại khóa càng tốt nhưng nó không chính xác trong mọi trường hợp. Em nghĩ tham gia nhiều hoạt động ngoại khóa không tốt bằng việc mình chăm chút cho từng hoạt động và chất lượng của từng hoạt động”, Phương Thảo nhấn mạnh. Sắp tới, Nguyễn Phương Thảo sẽ gia nhập gia đình du học sinh Việt Nam tại MIT với các bạn trẻ xuất sắc, những chàng trai, cô gái tài năng đi trước như “cô gái vàng Vật lý” Đinh Hương Thảo, Nguyễn Thế Quỳnh, cậu học trò đất Quảng Bình với 2 HCV Olympic Vật lý, "chàng trai vàng Hóa học” Đinh Quang Hiếu… Viện công nghệ MIT là một trường đại học tư nằm ở Cambridge, Massachusetts. Mặc dù không nằm trong Ivy League, nhưng MIT luôn nằm trong top 10 các bảng xếp hạng đại học danh giá nhất thế giới. MIT nổi tiếng về nghiên cứu và đào tạo các ngành khoa học Vật lý, cơ khí, sinh học, kinh tế học... Tính đến năm 2015, ngôi trường này có 85 chủ nhân giải Nobel và nhiều học giả sở hữu các giải thưởng học thuật danh giá khác như: Học giả Marshall, Học giả Rhodes, giải Fields… Lệ Thu |