ĐH Quốc gia Hà Nội vào top 1000 ĐH hàng đầu thế giới: Chỉ là một chỉ số đánh giá chất lượng! |
Thứ năm, 19 Tháng 9 2019 16:23 |
Xếp hạng đại học không phải là mục đích mà là một chỉ số đánh giá chất lượng hoạt động của ĐH Quốc gia Hà Nội. Đây là một cơ hội để đánh giá, nhìn nhận, đối sánh chất lượng hoạt động của mình ở một thời điểm cụ thể, qua đó có các giải pháp cải tiến liên tục và phát triển bền vững.Đó là khẳng định của PGS.TS Nguyễn Hoàng Hải- Phó Giám đốc ĐH Quốc gia Hà Nội với PV Dân trí sau khi ĐH QGHN là một trong 02 cơ sở giáo dục đại học được Thời báo Giáo dục đại học (Times Higher Education, THE) xếp vào nhóm 1000 đại học hàng đầu thế giới.
Nhấn để phóng to ảnh Một phần khuôn viên của Trường ĐH Khoa học Tự nhiên - ĐH Quốc gia Hà Nội Không phải trường đại học nào đăng kí cũng được xếp hạng Phóng viên: Chúc mừng Đại học Quốc gia Hà Nội đã vào top 1000 Bảng xếp hạng đại học thế giới của Times Higher Education. Ông đánh giá thế nào về các bảng xếp hạng và khả năng tham gia các bảng xếp hạng của các trường đại học tại Việt Nam hiện nay? PGS.TS Nguyễn Hoàng Hải: Hiện nay, trên thế giới có nhiều bảng xếp hạng đại học, mỗi bảng có tiêu chí xếp hạng khác nhau, trong đó các bảng xếp hạng được biết đến nhiều nhất là: THE University Rankings (thuộc Times Higher Education, Vương quốc Anh), QS University Rankings (thuộc Quacquarelli Symonds, Vương quốc Anh), Academic Ranking of World Universities (ARWU, ShanghaiRanking Consultancy, Trung Quốc), Webometrics (Cybermetrics Lab, Tây Ban Nha), US News (Mỹ), University Ranking by Academic Performance (URAP, Thổ Nhĩ Kỳ), U-Multirank (Châu Âu), uniRank… Các bảng xếp hạng này có thể được chia làm 2 nhóm phụ thuộc vào cách lấy dữ liệu để xếp hạng. Nhóm thứ nhất là nhóm xếp hạng tự động thông qua việc thu thập các dữ liệu có sẵn trên Internet và các cơ sở dữ liệu học thuật như Nature & Science, Web of Science, Scopus... Các bảng xếp hạng ARWU, US News, Webometrics, uniRank… dựa trên dữ liệu về công bố quốc tế hoặc tài nguyên online của trường đại học (trên website của trường đại học, trong các cơ sở dữ liệu trực tuyến như ISI, Scopus, Google Scholars…) để đánh giá các trường đại học. Với các quốc gia phát triển, hội nhập quốc tế rộng rãi, có hạ tầng công nghệ thông tin tốt thì hoạt động đào tạo, nghiên cứu, đóng góp cho doanh nghiệp, cộng đồng và xã hội của các đại học được phản ánh trên Internet đầy đủ thì các trường đại học có lợi thế trong các bảng xếp hạng này. Nhóm thứ hai là các bảng xếp hạng sử dụng nhiều nguồn dữ liệu khác nhau không chỉ bao gồm các loại dữ liệu trên mạng mà còn dựa vào các dữ liệu do các trường đại học cung cấp và các nguồn dữ liệu do các tổ chức xếp hạng trực tiếp khảo sát, thu thập được. Các Bảng xếp hạng như THE, QS, U-Multirank,… đánh giá các đại học theo cách như vậy. Các bảng xếp hạng thuộc nhóm thứ hai chỉ xếp hạng khi trường đại học đăng kí xếp hạng và gửi dữ liệu. Không phải trường đại học nào đăng kí cũng được xếp hạng mà chỉ các trường đại học có các tiêu chí xếp hạng đạt tiêu chuẩn mới được xếp hạng. Thông qua hệ thống khảo sát, các bảng xếp hạng đánh giá uy tín của trường đại học theo sự thừa nhận rộng rãi của cộng đồng (doanh nghiệp, nhà khoa học, các trường đại học đối tác,…). Với các trường đại học ở Việt Nam, trong bối cảnh tính quốc tế hoá chưa cao thì việc tham gia các bảng xếp hạng không chỉ sử dụng các dữ liệu trên mạng mà sử dụng nhiều nguồn dữ liệu như THE, QS sẽ phù hợp hơn, phản ánh đúng hơn trình độ và chất lượng của một trường đại học.
Nhấn để phóng to ảnh PGS.TS Nguyễn Hoàng Hải, Phó Giám đốc ĐH Quốc gia Hà Nội Mô hình đại học truyền thống, khép kín và đơn ngành sẽ khó xếp hạng Phóng viên: Vậy ĐHQGHN đã làm gì để đáp ứng các tiêu chí có tính thách thức rất cao của THE và đạt được thành tích xuất sắc này? PGS.TS Nguyễn Hoàng Hải: Gần đây, ĐHQGHN đã có mặt ở top 1000 trong Bảng xếp hạng QS (2019 và 2020), duy trì ở vị trí 124 trong bảng xếp hạng các đại học châu Á của QS (QS Asia University), tiếp tục vị trí số 1 ở Việt Nam và vị trí 1090 trong bảng xếp hạng Webometrics thế giới. Việc được xếp vào nhóm 801-1000 trường đại học hàng đầu trong bảng xếp hạng THE là một đánh giá đúng những nỗ lực không ngừng nghỉ của thầy và trò ĐHQGHN. Điều này khẳng định ĐHQGHN là một cơ sở nghiên cứu, đào tạo và chuyển giao tri thức hàng đầu của Việt Nam. So với Bảng xếp hạng QS thì Bảng xếp hạng THE có một số tiêu chí cao hơn đối với các trường đại học Việt Nam và ĐHQGHN. Đó là tiêu chí về thu nhập thông qua hoạt động đào tạo, nghiên cứu và chuyển giao tri thức; tiêu chí quốc tế hóa trong nghiên cứu và đào tạo. THE đưa ra bộ tiêu chí để hướng đến đánh giá và xếp hạng các trường đại học có định hướng nghiên cứu, hoạt động với mô hình tự chủ cao, gắn kết chặt chẽ với doanh nghiệp, cộng đồng và xã hội. Mô hình đại học truyền thống, khép kín và đơn ngành thực sự rất khó có thể lọt vào bảng xếp hạng này. ĐHQGHN có sứ mệnh đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, trình độ cao, bồi dưỡng nhân tài; nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và chuyển giao tri thức đa ngành, đa lĩnh vực; góp phần xây dựng, phát triển và bảo vệ đất nước; làm nòng cột và đầu tàu trong hệ thống giáo dục đại học Việt Nam. Xếp hạng đại học không phải là mục đích mà là một chỉ số đánh giá chất lượng hoạt động của ĐHQGHN. ĐHQGHN đã đặt sứ mệnh, tầm nhìn và mục tiêu trở thành đại học nghiên cứu đa ngành, đa lĩnh vực hàng đầu ở Việt Nam và sớm đứng trong danh sách những đại học hàng đầu thế giới. Các chỉ số phát triển được nghiên cứu, xây dựng với sự tham khảo các tiêu chí xếp hạng để làm sao vừa đảm bảo sự phát triển bền vững, hài hòa của cả hệ thống, thực hiện tốt sứ mệnh đặt ra, vừa tạo được ưu thế khi tham gia các bảng xếp hạng đại học. ĐHQGHN là cơ sở giáo dục đại học đầu tiên xây dựng Bộ tiêu chí Đại học nghiên cứu để áp dụng tại các đơn vị thành viên từ năm 2013. Sắp tới, trước đòi hỏi của thực tiễn phát triển và bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0, ĐHQGHN chuẩn bị ban hành Bộ tiêu chí Đại học nghiên cứu và đổi mới sáng tạo để thay thế Bộ tiêu chí đại học nghiên cứu. Có thể thấy, nỗ lực cải tiến chất lượng, cải tiến hệ thống quản trị của ĐHQGHN được diễn ra liên tục, không ngừng và đảm bảo đáp ứng các yêu cầu của thực tiễn. Điều này cũng đem đến những lợi thế lớn trong các khảo sát của THE về uy tín đào tạo, uy tín nghiên cứu khoa học của trường đại học.
Nhấn để phóng to ảnh Xếp hạng là một cơ hội để đánh giá nhìn nhận lại mình Phóng viên: Được biết, để có dữ liệu xếp hạng, THE căn cứ vào cơ sở dữ liệu khoa học SCOPUS, các nguồn khảo sát độc lập do họ tự thực hiện, và dữ liệu do các trường đại học cung cấp. Ông cho biết, ĐHQGHN đã cung cấp dữ liệu gì, có đảm bảo yếu tố khách quan? PGS.TS Nguyễn Hoàng Hải: Bảng xếp hạng THE yêu cầu tất cả các cơ sở giáo dục đại học cung cấp một khung dữ liệu như nhau, bao gồm tổng số cán bộ, số giảng viên và nghiên cứu viên, tổng số người học (bao gồm số sinh viên, số học viên cao học và số nghiên cứu sinh), các kết quả nghiên cứu, chuyển giao tri thức... Những dữ liệu này đã được công bố công khai, rộng rãi trên website và các sản phẩm truyền thông của ĐHQGHN và các đơn vị thành viên, do đó được cộng đồng, xã hội tiếp cận rộng rãi cũng như thực hiện giám sát. Các chỉ số này cũng được THE công bố trên trang profile của ĐHQGHN đặt tại hệ thống website của THE. Như vậy, có thể nói dữ liệu rất tường minh và cụ thể. Bên cạnh đó, để đảm bảo tính khách quan trong xử lý dữ liệu, THE cũng mời công ty kiểm toán quốc tế PricewaterhouseCoopers giám sát độc lập và toàn diện quá trình xử lý dữ liệu xếp hạng. Như trên đã nói, ĐHQGHN quan niệm việc xếp hạng là một cơ hội để đánh giá, nhìn nhận, đối sánh chất lượng hoạt động của mình ở một thời điểm cụ thể, qua đó có các giải pháp cải tiến liên tục và phát triển bền vững. Như vậy, để đánh giá được đúng thực tế của mình, không gì quan trọng bằng việc cung cấp dữ liệu đúng, đủ, và khách quan. Điều này đã là triết lý phát triển của ĐHQGHN. Điểm yếu nhất của ĐH Việt Nam là từ kinh phí chuyển giao công nghệ Phóng viên: Trong khu vực Đông Nam Á, Thái Lan có 16 trường lọt vào top 1000, Malaysia có 13 trường, Indonesia có 6 trường, Singapore có 2 trường… So với các ĐH trên, theo ông điểm yếu lớn nhất của các trường ĐH Việt Nam là gì? PGS.TS Nguyễn Hoàng Hải: Trong khu vực, Singapore có hai đại học có thứ hạng cao hơn hẳn các đại học còn lại đó là Đại học Quốc gia Singapore (thứ 25) và Đại học Công nghệ Nanyang (thứ 48). Các quốc gia khác có nhiều đại học được lọt vào bảng xếp hạng THE chỉ được xếp hạng trung bình. So với các đại học này, ĐHQGHN có lĩnh vực hợp tác quốc tế ở mức ngang với các trường hàng đầu trong khu vực (ĐHQGHN đạt 47,4 điểm, ĐH Mahidol đạt 46,1 điểm, ĐH Chulalongkorn đạt 37,8 điểm), chỉ số về trích dẫn các bài báo khoa học gần với các đại học trong khu vực (ĐHQGHN đạt 38,8 điểm, ĐH Mahidol đạt 45,2 điểm; ĐH Malaya đạt 56,6 điểm, ĐH Chulalongkorn đạt 22,2 điểm). Điểm yếu lớn nhất của ĐHQGHN và của các đại học khác ở Việt Nam là vấn đề về kinh phí đến từ chuyển giao khoa học công nghệ cho doanh nghiệp. Tiêu chí nghiên cứu của ĐHQGHN, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, và ĐHQG TpHCM lần lượt là đạt 9.1 điểm, 8.4 điểm, và 8.7 điểm. Trong khi đó các trường trong khu vực như ĐH Mahidol, Chulalongkorn, Malaya có lần lượt điểm nghiên cứu là 21, 21.7, và 30.5. Có lẽ đây là điểm yếu lớn nhất mà hệ thống giáo dục đại học Việt Nam cần sớm khắc phục. Tiếp tục duy trì và nâng cao thứ hạng Phóng viên: ĐH QGHN khẳng định không lấy việc xếp hạng làm mục đích của cho các hoạt động của mình, vậy chiến lược phát triển của ĐH QGHN trong thời gian tới là gì? PGS.TS Nguyễn Hoàng Hải: Đúng. ĐHQGHN không lấy việc xếp hạng làm mục đích của cho các hoạt động của mình. Xếp hạng là công cụ để đối sánh, đánh giá chất lượng và tìm những điểm mạnh, điểm yếu của trường đại học ở một số thời điểm cụ thể. Tuy nhiên, đặt ra vấn đề duy trì và nâng cao thứ hạng sẽ giúp trường đại học có những động lực phát triển tốt, đồng thời thuận lợi trong truyền thông, khẳng định vị thế và uy tín của ĐHQGHN. Không phải đợi đến khi xếp hạng mới nhận ra các điểm yếu trong hoạt động mà ĐHQGHN đã có kế hoạch từ lâu. Tuy nhiên vì nhiều lí do chủ quan, khách quan mà việc thực hiện chưa thực sự được như mong muốn. Trong tương lai ĐHQGHN vấn tiếp tục phát huy các nghiên cứu khoa học cơ bản nhưng chú trọng yếu tố chất lượng của công trình nghiên cứu hơn yếu tố số lượng; khuyến khích các nhà khoa học thuộc lĩnh vực quản lí, nhân văn tham gia công bố quốc tế; phát huy sức mạnh của nghiên cứu liên lĩnh vực; mở rộng hợp tác quốc tế. Bên cạnh đó ĐHQGHN tiếp tục mở các chương trình đào tạo gắn với các nghiên cứu đáp ứng yêu cầu của xã hội; kết hợp chặt chẽ giữa nghiên cứu, đào tạo với các doanh nghiệp theo hướng đưa các kiến thức liên quan đến công nghệ thông tin, số hoá và khởi nghiệp, sáng tạo vào chương trình đào tạo. Với sự cố gắng của giảng viên, sinh viên ĐHQGHN sẽ tiếp tục vươn lên để có thứ hạng cao hơn nữa. Trân trọng cám ơn ông! Hồng Hạnh |