Phía sau những tấm huy chương Olympic quốc tế - bài 2 PDF. In Email
Thứ sáu, 11 Tháng 11 2022 18:57

Trường THPT chuyên Khoa học tự nhiên là một “địa chỉ đỏ”, nơi rèn giũa, dạy dỗ biết bao lứa học sinh giỏi quốc tế. Hiện nhà trường đã sở hữu hơn 300 tấm huy chương khu vực và quốc tế. Riêng năm 2022, cả nước có 10 Huy chương Vàng (HCV) thì Trường THPT chuyên Khoa học Tự nhiên sở hữu 2 HCV Toán, 2 HCV Hóa, 1 HCV Tin học và 3 HCV Vật lý.

vnu---le-tuyen-duong-hoc-sinh-dat-giai-quoc-te-(5).jpg -0
GS Lê Quân, Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội (giữa) trao Thư khen của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cho thầy Nguyễn Vũ Lương (thứ 5 từ phải sang) và các thầy dạy đội tuyển, các em học sinh đoạt Huy chương Vàng năm 2022 của Trường THPT chuyên Khoa học Tự nhiên.

Trong số những người thầy gắn bó với đội tuyển nhiều thế hệ, thầy Nguyễn Vũ Lương, Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo của Trường THPT chuyên Khoa học tự nhiên là người thầy được nhiều thế hệ học sinh yêu kính, mến mộ. Khi tôi hỏi về công việc dạy đội tuyển quốc gia, quốc tế, thầy thẳng thắn chia sẻ: “Dạy đội tuyển là một cuộc chơi danh dự, chúng tôi dạy cũng vì danh dự mà thôi!”.

Gặp thầy Nguyễn Vũ Lương tại Trường THPT chuyên Khoa học Tự nhiên, nhìn cảnh các em học sinh vây quanh thầy quấn quýt, có bạn còn gọi thầy là “bố Lương” mới thấy tình cảm các em dành cho thầy ấm áp biết chừng nào. Những tấm HCV Toán học quốc gia, quốc tế của học sinh Trường THPT chuyên Khoa học tự nhiên đều có dấu ấn, công sức lớn lao của thầy. Thầy hóm hỉnh kể với tôi, năm 2022, các em đội tuyển Toán quốc tế của Việt Nam bội thu thành tích, thầy và các thầy của Trường THPT chuyên Khoa học tự nhiên tham gia dạy đội tuyển đã vinh dự được Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội tặng Bằng khen và phần thưởng theo quy định của Nhà nước là 1,490 triệu đồng, đúng bằng 1 tháng lương cơ bản. Phần thưởng năm nào cũng ít ỏi như vậy, nhưng đúng như thầy Lương nói, dạy đội tuyển là “cuộc chơi danh dự” nên các thầy không bao giờ xét đến hiệu quả kinh tế và vật chất, chấp nhận bao vất vả để dạy dỗ các em thành danh. Niềm vinh dự lớn lao đó đã khiến công việc dạy đội tuyển của thầy vô cùng ý nghĩa, và cũng vì niềm kiêu hãnh đó mà thầy Lương và các thầy cứ mãi gắn bó với đội tuyển các thế hệ.

Thầy Nguyễn Vũ Lương cho hay, hiện nay thi vào đại học ngày càng dễ, dạy để đỗ đại học thì các địa phương đều làm được, nhưng để dạy được một học sinh giỏi cấp quốc tế, cấp khu vực thì rất ít địa phương có thể làm được, bởi công việc này quá nhọc nhằn, quá áp lực. Ngay như tại Hà Nội, giờ rất ít trường đầu quân dạy đội tuyển quốc tế, phần vì công việc này quá vất vả, quá khó, lại không mang lại tiền bạc vật chất, nên nhiều thầy đã chuyển hướng sang luyện thi.

Cái khó trong dạy đội tuyển là các thầy luôn phải cập nhật các dạng bài toán mới, mà mỗi năm thế giới cho ra hàng trăm dạng bài toán mới, kho bài toán cứ đầy ắp lên như vậy. Do đó, các thầy trong Trường THPT chuyên Khoa học tự nhiên phải lao động cật lực, phải đọc tài liệu, cập nhật các dạng bài toán mới để xây dựng bài giảng. Trường THPT chuyên Khoa học tự nhiên phải chia ra 5, 6 nội dung ôn thi, mỗi thầy phụ trách một nội dung mới “vét” hết được kiến thức mà thế giới họ cập nhật. “Thế tại sao ra bài toán khó như thế, học sinh của ta vẫn làm được? Là bởi trên các con đường mòn tư duy đến bài toán ấy, bọn trẻ phải được học rất nhiều, phải gần gũi bài toán ấy, nghiền ngẫm bài toán ấy nhiều mới giải được, cho nên khi dạy đội tuyển, chúng tôi luôn có 2 yêu cầu: Không cần phải quá thông minh (vì nhiều em thông minh nhưng học được 2 tháng trong đội tuyển là “bật bãi”) mà đòi hỏi năng lực rất lớn của các em. Vào đội tuyển quốc tế cần những em học sinh say mê, đầu tư hết sức vào môn học thì mới thành công được. Tôi hay bảo học trò rằng, phải có “tính hàn lâm”, tức là phải biết rất nhiều, học rất nhiều. Có những tháng thời gian chuẩn bị thi chỉ vỏn vẹn 1 tháng nhưng các thầy phải dạy đến 40 – 50 buổi. Còn tôi khi vào chiến dịch dạy đội tuyển, vợ tôi biết ngay vì thường các buổi tối, tôi phải nghĩ bài toán cho các em và công việc đó thường kết thúc vào lúc 3h sáng”, thầy Nguyễn Vũ Lương trải lòng.

Dạy đội tuyển không có sách hướng dẫn, không ai đào tạo, các thầy phải tự đào tạo, tự chịu trách nhiệm và buộc phải thành công. Để dạy được đội tuyển, theo thầy Nguyễn Vũ Lương, người thầy phải đầu tư đến chục năm lao động riêng về đội tuyển, trong đó có khoảng 5 năm chí thú với việc dạy đội tuyển, còn 5 năm còn lại, người thầy phải đọc sách, mỗi bài giảng phải soạn mất 1, 2 ngày, nên không nhiều người thích dạy đội tuyển.

Trường THPT chuyên Khoa học tự nhiên luôn có cách đi riêng trong dạy đội tuyển. Đó là một “chiến lược” tuyển chọn, các thầy có “con mắt xanh” để phát hiện các học sinh có tố chất đặc biệt, luôn ưu tiên phát hiện, chăm chút bồi dưỡng học sinh giỏi từ các lớp dưới. Nếu biết ở trường THCS nào có học sinh “đặc biệt” là các thầy tạo điều kiện đưa các em về bồi dưỡng, rèn giũa. Trong trường thường xuyên tổ chức vòng đấu loại, những em trụ được qua các vòng sẽ được tiếp tục bồi dưỡng để đi thi học sinh giỏi quốc gia, quốc tế.

“Sau nhiều năm, chúng tôi rút ra kinh nghiệm là phải có “của để dành”, năm này gối năm kia, ưu tiên cho cả học sinh lớp 10, lớp 11 đi thi đấu, sau này các anh lớp 12 lên đại học thì các em học sinh này sẽ là xương sống cho đội tuyển, có sự bọc lót như thế nên chúng tôi đã thành công”, thầy Nguyễn Vũ Lương tâm sự.

Cũng vì công việc dạy đội tuyển rất hàn lâm, rất khó nên để có nhiều tấm HCV, đòi hỏi người thầy phải có chiến lược đào tạo hợp lí, từ thấp đến cao, đòi hỏi nghệ thuật giảng dạy. Thầy Nguyễn Công Toản, Phó Hiệu trưởng, Chủ nhiệm bộ môn chuyên Vật lí, Trường THPT chuyên Khoa học tự nhiên cho hay, kiến thức trong các kì thi Olympic quốc tế ngày càng hiện đại, những bài thi quốc tế thường được biến đổi từ các công trình khoa học, do đó, nhiệm vụ của người thầy là phải biết lược hóa kiến thức phức tạp để đưa về dạng bài toán mà học trò có thể giải được. Mỗi khi bắt tay vào dạy đội tuyển Vật lí, thầy Toản phải “vật lộn” với đống sách tham khảo, giáo trình, phải nghiền ngẫm các đề thi để tạo ra bài toán mới.

“Khó khăn, nhọc nhằn lắm nhưng thầy phải hăng hái, truyền cảm hứng cho học trò, và luôn có niềm tin mãnh liệt vào bọn trẻ. Hành trình dạy và học đội tuyển là sự thử thách gian nan nhưng tạo sự trưởng thành vượt bậc cho các em. Và phần thưởng vô giá đối với chúng tôi chính là sự thành đạt, trưởng thành của các em”, thầy Nguyễn Công Toản chia sẻ.

Nhiều chàng trai “vàng” Olympic mà tôi có dịp phỏng vấn, viết bài đều kể rằng, các em luôn biết ơn sâu sắc các thầy đã dìu dắt, truyền cảm hứng cho mình vượt qua mọi nhọc nhằn trong học tập. Các em được các thầy dạy dỗ, truyền bá kiến thức trước khi “đem chuông đi đấm xứ người”; khi ra nước ngoài, điều kiện thời tiết, sinh hoạt khác biệt khiến ai cũng mệt nhọc, vất vả hơn, nhưng những người thầy đã như “người cha” che chở cho các em, lo cho các em từng giấc ngủ, từng bữa ăn.

Thầy Nguyễn Ngọc Hà, Phó Cục trưởng Cục Quản lí chất lượng, Bộ GD&ĐT (trước đây, thầy Hà là Trưởng khoa Hóa học, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, nhiều năm là Trưởng đoàn Olympic Hóa học quốc tế), chia sẻ với tôi rằng, mỗi lần dẫn quân đi thi đấu là thêm biết bao kỷ niệm yêu thương học trò. Với thầy Hà, chuyến đi dự Olympic Hóa học quốc tế 2019 là một chuyến đi đáng nhớ vì thầy và trò gặp "thời tiết bất thường".

Thủ đô Paris bỗng nóng đột ngột, hơn 40 độ C, người như khô héo và không khí rất ngột ngạt. Nhìn các em học sinh Việt Nam gầy gò, khô héo trong cái nóng như lửa, thầy thương các em vô cùng, trong khi đó, nơi làm việc, chỗ ở cho các đoàn được Ban tổ chức sắp xếp tại Kí túc xá sinh viên quốc tế và đương nhiên, chỗ này không có điều hoà (như Việt Nam), thậm chí không có cả quạt. Thầy Hà đành hạ nhiệt bằng cách đắp khăn ẩm khi đi ngủ, nhưng khăn lại ẩm quá nên hôm sau thầy ốm luôn.

Cũng may các em học sinh vẫn "bảo toàn" được sức khỏe, đã thi rất tốt và đây là lần đầu tiên trong các kỳ thi Olympic Hóa học quốc tế, đoàn Việt Nam có thí sinh đạt điểm tuyệt đối 40/40 phần thi thực hành. Đó là em Trần Bá Tân, học sinh lớp 12 Trường THPT chuyên Hà Nội – Amsterdam xuất sắc giành HCV.

Thầy Lê Bá Khánh Trình cũng có “thâm niên” dẫn đoàn đi thi Olympic Toán quốc tế (năm 1979, chàng trai Lê Bá Khánh Trình làm rạng danh Tổ quốc khi anh đoạt HCV Olympic Toán quốc tế với điểm số tuyệt đối 40/40). Thầy cho hay, có năm thầy đưa đoàn học sinh Việt Nam sang Argentina thi đấu, bên Việt Nam lúc đó là mùa hè, nhưng bên nước bạn, nhiệt độ xuống 1 độ C, thầy nhìn học sinh của mình co ro trong nhà thi đấu, lòng thầy xót xa. Thầy và các thầy trong đoàn đã nhường hết áo ấm cho học trò, có lúc còn ôm các em vào lòng thật chặt để truyền hơi ấm của mình sang học trò.

Thầy Lê Bá Khánh Trình rút ra một điều thấm thía là khi thi đấu quốc tế, ngoài việc rèn luyện cho các em thái độ học tập nghiêm túc, thì người thầy phải tạo cho học trò một tinh thần thoải mái, không ăn thua và phải hết sức công bằng với từng em, để tạo không khí đầm ấm, truyền cảm hứng cho học trò, giúp các em thêm năng lượng tốt bước vào đấu trường quốc tế…

Thu Phương
Cập nhật ngày Thứ hai, 14 Tháng 11 2022 20:26