Phía sau những tấm huy chương Olympic quốc tế - Bài cuối PDF. In Email
Thứ sáu, 11 Tháng 11 2022 19:06

Bài cuối: Cơ chế nào để “giữ chân” người tài

Tính từ năm 1974 – năm đầu tiên Việt Nam tham dự Olympic Toán quốc tế, đến nay chúng ta đã có hơn 800 lượt học sinh Việt dự thi Olympic quốc tế các môn Toán, Lí, Hóa, Sinh, Tin học, mang về gần 700 huy chương, trong đó có 168 Huy chương Vàng. Chỉ trong 5 năm qua, tổng số huy chương Olympic quốc tế mà học sinh Việt Nam đạt được là 175, trong đó có tới 56 HCV. 

Bài cuối: Cơ chế nào để “giữ chân”người tà -0 
Lãnh đạo Bộ GD&ĐT và Trường ĐH Sư phạm Hà Nội chụp ảnh lưu niệm với đoàn học sinh Olympic Vật lý quốc tế 2022 của Việt Nam.
Bài cuối: Cơ chế nào để “giữ chân” người tài -0 Các em học sinh giỏi quốc tế cùng các bạn trường THPT chuyên Khoa học tự nhiên trong lễ khai giảng 2022 - 2023.


Đây là một thành quả vượt bậc của các đội tuyển Olympic, khẳng định bản lĩnh, khả năng vươn lên trong học tập và trí tuệ Việt Nam trước bạn bè quốc tế. Thành quả đó cũng khẳng định hướng đi đúng đắn của Bộ GD&ĐT, nhằm hiện thực hóa các Nghị quyết của Đảng, Chính phủ về giáo dục nước nhà…

Trao đổi với PV Báo CAND, TS Lê Mỹ Phong, Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD&ĐT cho hay, thành tích học sinh Việt Nam đạt được tại các kỳ Olympic quốc tế là kết quả tổng hợp của các yếu tố: Đó là tài năng đặc biệt cùng sự nỗ lực phấn đấu bền bỉ, không ngừng nghỉ của cá nhân từng em học sinh. Đó là sự quan tâm, chăm lo, hỗ trợ hiệu quả của các bậc phụ huynh học sinh, các thầy cô giáo, các nhà trường, các địa phương và các cơ quan quản lý giáo dục đối với các em trong suốt quá trình học tập và dự thi.

TS Lê Mỹ Phong còn cho biết, thành tích đáng tự hào đó đã chứng minh cho những đổi mới căn bản, đồng bộ về quản lý công tác tổ chức thi chọn học sinh giỏi quốc gia và tập huấn các đội tuyển của Bộ GD&ĐT đã đúng hướng, phát huy hiệu quả. Việc tổ chức kỳ thi chọn học sinh giỏi vào các đội tuyển quốc gia dự thi Olympic khu vực và quốc tế đã được Bộ GD & ĐT đổi mới trong công tác coi thi, chấm thi, đảm bảo khách quan, trung thực, đánh giá đúng trình độ học sinh, tạo điều kiện để chọn được những học sinh giỏi nhất tham dự các đoàn học sinh giỏi khu vực và quốc tế. Nhờ đó các đoàn Olympic của Việt Nam từng bước tiếp cận hiệu quả với hình thức thi của khu vực và quốc tế.

TS Lê Mỹ Phong còn cho rằng, thành quả đó là do những người thầy đã dành trọn tình cảm, tâm trí trong công tác giáo dục nói chung và công tác phát hiện, bồi dưỡng nhân tài cho đất nước nói riêng. Các đội tuyển quốc gia khi được thành lập để chuẩn bị đi thi quốc tế, đều được tập huấn tại các cơ sở giáo dục có uy tín: Đội tuyển Toán học quốc tế tập huấn tại Viện Nghiên cứu Cao cấp về Toán; đội tuyển Vật lý châu Á - Thái Bình Dương và quốc tế tập huấn tại Khoa Vật lí, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội; đội tuyển Hóa học tập huấn tại Khoa Hóa học, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội; đội tuyển Sinh học tập huấn tại Khoa Sinh học, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên - Đại học Quốc gia Hà Nội; đội tuyển Tin học châu Á - Thái Bình Dương và quốc tế tập huấn tại Trường Đại học Công nghệ - Đại học Quốc gia Hà Nội. Trong quá trình tập huấn, các chuyên gia, các nhà giáo có kinh nghiệm và giỏi chuyên môn hàng đầu trên cả nước đã ôn tập cho các em theo từng chủ đề. Ngoài ra, Bộ GD & ĐT còn mời những học sinh đã đoạt huy chương ở những kỳ thi trước tham gia ôn tập, trao đổi kinh nghiệm với các em trong đội tuyển.

“Mỗi lần các đoàn học sinh Việt Nam trở về trong chiến thắng đã khích lệ giới trẻ, tác động tích cực đến quá trình dạy và học nhằm thúc đẩy phong trào thi đua dạy tốt, học tốt trong các nhà trường phổ thông, đồng thời kích thích ý chí vươn lên đỉnh cao trong học tập, rèn luyện, góp phần giáo dục nhân cách toàn diện cho học sinh, hướng tới thực hiện mục tiêu giáo dục nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài”, TS Lê Mỹ Phong bày tỏ.

Khi tôi đề cập tới câu chuyện “trọng dụng nhân tài”, cần cơ chế nào để phát triển, nuôi dưỡng các chàng trai “vàng” của chúng ta, TS Lê Mỹ Phong cho hay, nhiều năm nay, Bộ GD&ĐT đã có nhiều chính sách để vinh danh, khen thưởng các em kịp thời. Bộ luôn ưu tiên cử học sinh giỏi đi đào tạo đại học ở nước ngoài bằng học bổng do Nhà nước cấp hoặc do nước ngoài tài trợ theo Hiệp định ký kết với Nhà nước Việt Nam. Thêm nữa, nhiều trường đại học tiếp tục duy trì, bổ sung chính sách tuyển thẳng vào đại học, cao đẳng đối với các học sinh đoạt giải quốc gia, quốc tế, cho thấy chính sách “chiêu hiền đãi sĩ” của chúng ta đã thực chất và thiết thực hơn.

Năm 2022, ngay khi nhận được báo cáo của Bộ GD&ĐT về kết quả thi Olympic khu vực và quốc tế, ngày 21/7/2022, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã gửi thư khen Trường THPT chuyên Khoa học Tự nhiên - Đại học Quốc gia Hà Nội và các học sinh giành huy chương trong kỳ thi Olympic quốc tế năm 2022. Nhiều em đạt thành tích xuất sắc đã vinh dự được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động, được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen. Tại một số địa phương, nơi có học sinh đoạt huy chương quốc tế, lãnh đạo tỉnh đã tặng nhiều phần thưởng về vật chất, nhằm khích lệ, động viên các em học sinh. Đó cũng là bằng chứng sinh động cho sự đổi mới tích cực về chính sách trọng dụng người tài của chúng ta.

Tuy nhiên, khi chúng tôi trò chuyện với các thầy giáo, những người trực tiếp dẫn dắt đội tuyển quốc gia, quốc tế, họ đều chung nhận định rằng, những năm gần đây, chính sách phát hiện, bồi dưỡng học sinh giỏi của Việt Nam khá tốt (bằng chứng là chúng ta có cả một kế hoạch đào tạo bồi dưỡng học sinh giỏi qua các vòng thi đấu được tổ chức bài bản, chặt chẽ như phần trên bài viết đã đề cập), nhưng chính sách đãi ngộ, sử dụng “người tài” chưa tốt. Có lẽ vì thế mà đến nay, rất ít học sinh giỏi quốc tế chọn học tập trong nước, nhiều em sau khi đoạt huy chương đã tự xin học bổng ra nước ngoài học tập.

“Việc xin học bổng cũng do các em tự mày mò, lăn lộn; hoặc được các giáo sư người Việt uy tín ở nước ngoài hỗ trợ, giới thiệu nên nhiều em nhận được học bổng rất lớn, các em ra nước ngoài học với kì vọng có một môi trường học tập tốt hơn”, một thầy giáo cho tôi biết.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, nhiều “chàng trai vàng” của Việt Nam sau khi ra nước ngoài học tập, làm nghiên cứu sinh, rồi bảo vệ thành công luận án tiến sĩ, họ hiện đều làm việc ở nước ngoài. Đó là Lê Tự Quốc Thắng, HCV Olympic Toán quốc tế năm 1982 với điểm số 42/42, ông hiện là Giáo sư chính thức của Viện Công nghệ Georgia, Hoa Kỳ; Đàm Thanh Sơn, HCV Olympic Toán quốc tế năm 1984, ông hiện ở Mỹ, giảng dạy tại Đại học Washington, Viện Công nghệ Massachusetts, Đại học Columbia, Đại học Chicago; Đỗ Quốc Anh hiện là Phó Giáo sư thỉnh giảng tại Trung tâm công dân toàn cầu Ford, Viện Quản lý Kellogg, Đại học Northwestern (Mỹ) và từ tháng 1/2023, PGS Đỗ Quốc Anh sẽ chuyển đến làm việc tại ĐH Monash (Australia); Lê Hùng Việt Bảo hiện là PGS tại Đại học Northwestern…

TS Lê Công Lợi, Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Khoa học Tự nhiên cho hay, đúng là nhiều học sinh giỏi quốc tế của Việt Nam đã ra nước ngoài làm việc. Theo TS Lê Công Lợi, trong thế giới phẳng, việc các em ở lại trong nước hay nước ngoài làm việc thì cũng là bình thường, và ở đâu cũng có thể cống hiến  cho đất nước. Bằng chứng là nhiều anh chị giờ đã là GS, PGS nổi tiếng ở nước ngoài, nhưng vẫn có nhiều đóng góp cho quê hương như GS Đàm Thanh Sơn nhiều lần về nước tham dự hội nghị “Gặp gỡ Việt Nam”; tham gia Ban giám khảo, Ban tổ chức các cuộc thi Toán, Vật lý quốc tế tại Việt Nam. GS Ngô Bảo Châu, dù đang giảng dạy tại Đại học Chicago nhưng ông đồng thời giữ vai trò Giám đốc khoa học của Viện Nghiên cứu Cao cấp Việt Nam, tham gia giảng dạy, truyền cảm hứng cho giới trẻ Việt Nam…

Cũng theo TS Lê Công Lợi, sau khi kỳ thi Olympic quốc tế kết thúc, các em học sinh được vinh danh, được nhiều phần thưởng, điều đó rất đáng quý nhưng đó mới chỉ là “phần ngọn”, còn “phần gốc” vẫn phải là tạo môi trường làm việc thật tốt để thu hút người tài. Hiện nay, việc bồi dưỡng, đào tạo học sinh giỏi của chúng ta khá tốt, nhưng cả thầy và trò đều phải làm việc trong điều kiện rất khiêm tốn, đặc biệt những môn như Lý, Hóa - cần phòng thí nghiệm hiện đại thì chúng ta còn thiếu rất nhiều, phải nhờ vào phòng thí nghiệm của Trường Đại học Khoa học tự nhiên. “Đào tạo đỉnh cao trong điều kiện như này là quá thiếu, nên chúng tôi phải khắc phục bằng cách học “ảo”, cho học sinh làm các thí nghiệm “ảo” để các em không bỡ ngỡ khi ra nước ngoài thi đấu”, TS Lê Công Lợi nói.

TS Nguyễn Công Toản, Phó Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Khoa học Tự nhiên đề xuất, Nhà nước cần phải có sự “chăm bẵm” học sinh giỏi quốc tế một cách chính quy. Đào tạo khoa học mũi nhọn giống như giương cao ngọn cờ, như thế mới đủ sức khích lệ thầy và trò. Thêm nữa, Nhà nước cần có chính sách định hướng tập trung, rõ rệt cho các em học sinh giỏi quốc tế, gửi các em đi học ở nước ngoài, học xong về nước sẽ làm gì, cần phải có chiến lược sử dụng người tài bài bản. Hiện tại, chủ yếu các em đi du học do tự phát, tự kiếm học bổng, thậm chí nhiều em đi học trái sở trường, điều này là vô cùng lãng phí.

GS Vũ Hà Văn, Giám đốc Khoa học của Viện Big Data, Tập đoàn Vingroup cho rằng, Nhà nước cần phải tạo một môi trường sao cho trí thức người Việt Nam ở nước ngoài về nước cảm thấy mình thực sự có ích, được Nhà nước hỗ trợ và không bị gò bó bởi các thủ tục hành chính phức tạp. Chúng ta có thể học tập kinh nghiệm của một số nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc, Hàn Quốc, họ đã có những giải pháp thu hút được số lượng không nhỏ những nhà khoa học gốc Hoa, người Hàn Quốc quay lại làm việc ở trong nước. Theo GS Vũ Hà Văn, cơ chế phát triển người tài ở ta vẫn chủ yếu dựa vào quan hệ, trong khi ở các nước phát triển, năng lực và thành quả lại là thước đo duy nhất.

“Môi trường làm việc cực kỳ quan trọng. Silicon Valley thành công được là vì nó không chỉ có một nhóm nghiên cứu, mà mỗi công ty có hàng chục nhóm nghiên cứu. Ở đó có hàng chục công ty lớn, hàng nghìn công ty nhỏ, cộng thêm các trường đại học lớn ở xung quanh. Nó phải là cả môi trường, chứ không phải là một người hay một công ty. Nếu chúng ta muốn thu hút người tài một cách thực sự thì phải xây dựng một chế độ rõ ràng, minh bạch, hợp lý, chứ không phải bằng cách hô hào chung chung”.

Đảng và Nhà nước ngày càng chú trọng xây dựng chính sách “trải thảm đỏ” nhằm thu hút người Việt về nước cống hiến và để giữ chân người tài. Mới đây, trong phiên trả lời chất vấn chiều 4/11 tại Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, Bộ Nội vụ đang xây dựng chiến lược quốc gia về thu hút, trọng dụng nhân tài, với cơ chế chính sách hấp dẫn và tốt hơn. Bộ Nội vụ đã tham mưu cho Chính phủ ban hành Nghị định số 140/2017/NĐ-CP về chính sách thu hút, tạo nguồn cán bộ từ sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ để triển khai thực hiện. Tuy thời gian Nghị định có hiệu lực chưa dài (từ 2018 đến nay) nhưng quan trọng là tất cả các địa phương đều rất chú trọng vấn đề này, điển hình là TP Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Vĩnh Phúc và rất nhiều tỉnh khác. Các địa phương đã thu hút được gần 3.000 sinh viên tốt nghiệp xuất sắc và cán bộ khoa học trẻ. Mặc dù vậy, theo bà Trà thì con số trên cho thấy chúng ta “thu hút chưa được nhiều”, đặc biệt là khu vực công…

Thu Phương
Cập nhật ngày Thứ sáu, 11 Tháng 11 2022 19:10