Lần đầu tiên sinh viên Việt Nam vào top 30 Chung kết lập trình ACM/ICPC toàn cầu PDF. In Email
Thứ sáu, 27 Tháng 5 2016 09:51
Đội tuyển Byte của Đại học Công nghệ - Đại học Quốc gia Hà Nội lần đầu tiên đưa Việt Nam vào Top 30 đội tuyển có thứ hạng cao nhất vòng Chung kết toàn cầu Kỳ thi lập trình sinh viên quốc tế ACM/ICPC 2016. Thứ hạng 29 của đội tuyển Byte còn cao hơn 3 đội cao nhất của 3 lục địa khác.

Vòng Chung kết toàn cầu Kỳ thi lập trình sinh viên quốc tế ACM/ICPC 2016 vừa diễn ra trong suốt 5 giờ thi đấu sáng 20/5/2015 tại Cung thể thao thành phố Phuket, Thái Lan, với sự tham gia tranh tài của 128 đội tuyển từ các trường đại học trên toàn cầu.

Trong đó có các trường đại học nổi tiếng thế giới như: MIT, Harward, Stanford, Chicago, Tổng hợp Moscow, St. Petersburg, Belarus, Kiev, Warsaw, Giao thông Thượng Hải, Thanh Hoa, Tổng hợp Bắc Kinh, Tổng hợp Tokyo, Tổng hợp Đài Loan... Mỗi đội tuyển gồm 3 sinh viên và 1 huấn luyện viên.

ACM/ICPC

Toàn cảnh vòng Chung kết thi lập trình sinh viên quốc tế ACM/ICPC 2016.

Đây là những đội tuyển xuất sắc nhất được chọn từ các vòng loại khu vực ở 6 châu lục với sự tham gia của 40.266 sinh viên từ 2.736 trường đại học tại 102 quốc gia.

Việt Nam có 2 đội tuyển tham gia Vòng chung kết ACM/ICPC 2016. Một là đội tuyển Byte, Đại học Công nghệ - Đại học Quốc gia Hà Nội, với 3 sinh viên gồm: Phạm Văn Hạnh, Đỗ Ngọc Khánh, Nguyễn Tiến Trung Kiên (các sinh viên đều đoạt huy chương Vàng Olympic Tin học Châu Á Thái Bình Dương 2015, 2/3 sinh viên đồng thời đoạt huy chương Olympic Tin học Quốc tế 2015), và huấn luyện viên Hồ Đắc Phương. Hai là đội tuyển Shine, Đại học Khoa học Tự nhiên - Đại học Quốc gia TP.HCM, với 3 sinh viên gồm: Lê Yên Thanh, Phạm Việt Khôi, Trương Minh Bảo (các sinh viên được tuyển chọn thực tập tại Google Mỹ năm 2016), và huấn luyện viên Phạm Nguyễn Sơn Tùng .

ACM/ICPC 2016

Hai đội tuyển Việt Nam tại vòng Chung kết ACM/IPCP toàn cầu 2016.

Một điểm đáng chú ý, tham gia vòng Chung kết, đội tuyển RRwantamera từ Đại học Quốc gia Singapore (NUS) gồm toàn sinh viên Việt Nam. Và trong đội tuyển của trường University of Illinois at Urbana-Champaign cũng có 1 sinh viên người Việt Nam.

Tại vòng Chung kết năm nay, Ban Giám khảo đã ra đề thi gồm 13 bài (năm trước đề thi có 12 bài và đội vô địch đã giải hết 12 bài), trong đó có 5 bài cực khó thách thức các nhà lập trình trẻ.

128 đội tuyển bắt đầu cuộc thi từ 9h45. Cuộc đấu trí diễn ra trong 5 tiếng. Hình ảnh diễn biến cuộc thi được phát trực tuyến trên mạng.

Đại học Chulalomcorn (Thái Lan) giải nhanh nhất bài đầu tiên vào phút thứ 11, nhưng tiếc rằng trong 289 phút sau không giải thêm được bài nào, đành đứng vị trí thứ 118 trong bảng kết quả. Đội tuyển thứ 2 của Thái Lan là đội của Đại học Prince Songa (Phuket) đến phút 239 mới giải được 1 bài, đứng vị trí cuối cùng (cả 2 đội Thái Lan đều đến vòng Chung kết toàn cầu bằng vé vớt và đặc cách chủ nhà, chỉ xếp hạng ngoài Top 12 ở các vòng loại khu vực châu Á).

1h trước khi kết thúc cuộc thi, đội tuyển NUS gồm 3 sinh viên Việt Nam giải được 8/13 bài, xếp hạng thứ 11. Đội tuyển Byte của Việt Nam giải được 7/13 bài, xếp hạng 18 (trong Top 20), còn đội Shine tạm ở top 60 với 3 bài. Lúc này chỉ có 2 đội đứng đầu giải được 9/13 bài. Vẫn còn 2/13 bài chưa có đội nào giải được.

Trong tiếng cuối cùng, có 2 đội giải được 11 bài, 3 đội giải được 10 bài, 8 đội giải được 9 bài, tổng cộng có 12/13 bài đã được giải. Cùng giải được 11 bài, nhưng nhanh hơn 7 giây, Đội tuyển Đại học Quốc gia St. Peterburg đã vượt Đại học Giao thông Thượng Hải để giành ngôi Vô địch.

Kết quả chung, Nga có tới 5/12 đội đoạt giải cao (1 đội Vô địch), Bắc Mỹ có 2 trường đoạt giải là Harwardvà MIT, Châu Á có Đại học Phudan đoạt giải Đồng.

Đội tuyển Byte

Với thứ hạng 28, đội tuyển Byte giúp Việt Nam lần đầu có tên trong danh sách Top 30 của vòng Chung kết ACM/ICPC toàn cầu.

Về kết quả chung cuộc của các đội tuyển Việt Nam tham gia vòng Chung kết, đội Byte giải được 7 bài, xếp hạng 28, lần đầu tiên đưa Việt Nam vào Top 30 toàn cầu. Còn đội Shine giải được 4 bài, xếp hạng 51 toàn cầu.

Với vị trí 28 trong bảng xếp hạng Chung kết toàn cầu ACM/ICPC 2016, đội tuyển Việt Nam đã vượt qua cả 3 nhà vô địch 3 lục địa khác gồm: Universidad Nacional de Rosario (Brazin), xếp thứ 32, nhất Nam Mỹ; Cairo University - Faculty of Computers and Information, xếp thứ 80, nhất Châu Phi và vùng Vịnh; University of New South Wales, xếp thứ 81, nhất Châu Úc.

"Trên 10 năm Việt Nam tham gia sân chơi toàn cầu ACM/ICPC, thứ hạng cao nhất trước đây chỉ là 44 (năm 2007), việc một đội tuyển vào Top 30 vòng Chung kết toàn cầu lần này cho thấy sự bứt phá tuyệt vời của sinh viên CNTT Việt Nam, góp phần đưa Việt Nam đạt thứ hạng 14 trong 102 quốc gia tham dự thi đấu lập trình quốc tế. Đây sẽ là động lực để sinh viên Việt Nam hướng tới các vị trí trong Top 20, và cao hơn nữa là Top 12 đoạt giải của Chung kết Toàn cầu Kỳ thi lập trình lớn nhất thế giới ACM/ICPC", ông Nguyễn Long, Tổng Thư ký Hội Tin học Việt Nam, Trưởng Ban Tổ chức ACM/ICPC Việt Nam chia sẻ.

Một thông tin vui bên lề được ông Nguyễn Long "bật mí" thêm với ICTnews: "TS. Lê Trường Tùng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Đại học FPT từng treo giải cho đội tuyển Việt Nam nào lọt vào Top 30 Chung kết toàn cầu ACM/ICPC nhưng đã 6 năm qua không có người lĩnh giải. Năm nay, lần đầu tiên có đội tuyển vượt qua "lời nguyền" Top 30".

Ngọc Mai

Cập nhật ngày Thứ sáu, 27 Tháng 5 2016 09:54